Dự án Luật Giao dịch điện tử lần đầu tiên được trình tại Quốc hội
15:42', 24/5/ 2005 (GMT+7)

Sáng nay (24-5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh.

Quốc hội đã nghe: ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đọc Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Giao dịch Điện tử; ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Giao dịch điện tử; ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đọc Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Nhà ở; ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật nhà ở; ông Đào Ngọc Dung, Quyền Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đọc Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Thanh niên; bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Thanh niên.

Dự án Luật Giao dịch điện tử gồm 8 Chương, 55 Điều, quy định về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính và lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Dự án Luật không áp dụng đối với các văn bản xác nhận liên quan đến thừa kế, kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử, đất đai và các bất động sản khác; thương phiếu và các giấy tờ có giá khác. Dự án Luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Tờ trình về Dự án Luật Giao dịch điện tử cũng nêu rõ về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử: Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Những năm gần đây, các giao dịch điện tử ở nước ta phát triển khá nhanh. Hiện một số chương trình, dự án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội và một số Bộ, ngành, địa phương đã được triển khai; hơn 50% Bộ, ngành và hơn 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang web cung cấp thông tin về các chính sách, thủ tục hành chính… Nhiều ngành kinh tế quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động của mình. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đang tích cực chuẩn bị để gia nhập WTO; tham gia và ủng hộ "Chương trình hành động chung" của APEC về thực hiện "Thương mại phi giấy tờ" vào năm 2005 đối với các nước phát triển và năm 2010 đối với các nước đang phát triển… Tờ trình nhấn mạnh, để triển khai thực hiện có hiệu quả Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, đào tạo nguồn nhân lực…, thì việc đẩy nhanh tiến độ tạo dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về lĩnh vực này, trong đó có Luật Giao dịch điện tử là hết sức quan trọng…

Dự án Luật Nhà ở gồm 9 Chương, 145 Điều, quy định về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở. Dự án Luật áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở.

Tờ trình về Dự án Luật Nhà ở đã nêu lên sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà ở. Theo đó, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình, cá nhân và là bộ phận to lớn trong tổng tài sản quốc gia. Nhu cầu nhà ở luôn là vấn đề bức xúc của các tầng lớp dân cư từ đô thị đến nông thôn, đặc biệt là nhu cầu cải thiện chỗ ở của các đối tượng có thu nhập thấp, người có công với cách mạng, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà ở của sinh viên, người nghèo… Giải quyết tốt vấn đề nhà ở là tiền đề quan trọng góp phần trực tiếp nâng cao mức sống của nhân dân, tạo điều kiện để thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo, từng bước ổn định xã hội, tiến tới phát triển bền vững đô thị và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Bên cạnh đó, quản lý tốt công tác đầu tư phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở là những yếu tố quan trọng góp phần khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở tự phát, không tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; hạn chế các mặt tiêu cực trong xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà ở không tuân thủ các quy định của pháp luật đang diễn ra phổ biến ở nước ta… Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc tại Việt Nam cũng như nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài tuy đã có chính sách tạo điều kiện cho một số đối tượng cụ thể được thuê hoặc mua và sở hữu nhà ở, song các quy định hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa thể hiện sự thông thoáng đủ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản nhà ở tại Việt Nam; chưa giải quyết cơ bản nguyện vọng của bà con người Việt Nam ở nước ngoài xung quanh vấn đề mua và sở hữu nhà ở trong nước để có điều kiện tham gia đầu tư, thăm viếng quê hương, Tổ quốc… Với tầm quan trọng về kinh tế, xã hội của lĩnh vực nhà ở và yêu cầu phải khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý và phát triển nhà ở, đưa lĩnh vực này ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi của xã hội trong thời gian tới phải xây dựng hệ thống pháp luật về nhà ở đồng bộ, hoàn chỉnh, có hiệu lực cao. Do đó, việc trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở đang là yêu cầu bức xúc hiện nay…

Dự án Luật Thanh niên gồm 6 Chương, 33 Điều, nêu rõ thanh niên là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc; là chủ nhân tương lai của dân tộc, đất nước. Thanh niên quy định trong Dự án Luật là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến đủ 30 tuổi. Dự án Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên; tổ chức thanh niên; nêu quyền và nghĩa vụ của thanh niên: Thanh niên có các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thanh niên…

Tờ trình về Dự án Luật Thanh niên cũng nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Thanh niên, là sự thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên; là đòi hỏi của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế của Nhà nước ta, trong đó có thanh niên. Tờ trình nhấn mạnh, việc ban hành Luật Thanh niên là cần thiết và cấp bách, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến thanh niên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, cơ chế bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức trên thế giới, góp phần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bảo vệ thanh niên trước tác động của những tiêu cực và tệ nạn xã hội, sự tấn công của các thế lực thù địch, đề cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

. Theo VOV news

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đà Nẵng thu hút nhân tài  (24/05/2005)
Cho phép cá nhân được đầu tư, vay vốn ở nước ngoài  (24/05/2005)
Ngày 25-5: Cả nước có hơn 1, 538 triệu học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THCS  (24/05/2005)
Giá phân urê đã tăng đến mức kỷ lục  (23/05/2005)
Hòa Bình tìm được mạch nước ngầm tại vùng khô hạn nhất  (23/05/2005)
Quốc hội thông qua bộ Luật Hàng hải (sửa đổi) và dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế  (23/05/2005)
Ngày 24-5: Miền Bắc sẽ có điện "giải nguy"  (23/05/2005)
Làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam  (23/05/2005)
Quốc hội tiếp tục xem xét hàng loạt dự án luật  (23/05/2005)
Đèn huỳnh quang VN bị áp thuế chống phá giá  (22/05/2005)
Miền Bắc đã phải cắt điện luân phiên  (22/05/2005)
Thủ tướng Phan Văn Khải: Đổi mới giáo dục đại học là vấn đề quan trọng và cấp bách  (20/05/2005)
Lao động Việt Nam tham gia xây dựng công trình lớn nhất thế giới  (20/05/2005)
Ninh Bình xây nhà máy sản xuất phân urê từ than cám  (20/05/2005)
Thủ tướng: Không để việc cắt điện ảnh hưởng sản xuất  (20/05/2005)