. Ghi chép của Trần Đăng
Ngày 17.5 vừa qua, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho một chu kỳ chờ đợi gần 10 năm bằng hợp đồng được ký kết với nhà thầu Technip về gói thầu số 1 thuộc dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo hợp đồng này, trong 4 năm tới, Dung Quất sẽ đón nhận một dự án với khoản tiền khổng lồ: 2,5 tỷ USD, tức khoảng 40 nghìn tỷ đồng Việt Nam! Đây được xem như trận mưa vàng trên vùng cát trắng này. Tỉnh Quảng Ngãi và người dân Dung Quất liệu có sẵn sàng để đón nhận một cơ may hy hữu ấy không?
|
Một nhà máy thuộc LILAMA đã "đắp chiếu" 3 năm nay tại Dung Quất. |
Tôi là dân Quảng Ngãi chính hiệu, lại là nhà báo theo sát từng bước đi của Dung Quất cũng như dự án Nhà máy lọc dầu trong gần 10 năm qua để đưa lên … báo, ấy vậy mà khi nghe thông tin gói thầu số 1 thuộc dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được ký kết tại Hà Nội vào chiều tối ngày 17.5, lòng tôi chẳng gợn lên một chút cảm xúc gì, ngoài một dấu hỏi đã từng theo tôi suốt 10 năm qua: Liệu lần này có ký thật không? Là bởi, trong gần 10 năm ấy, những "tin đồn" dai dẳng kiểu như thế vẫn thường rót vào tai tôi, từng gieo vào tôi chút hy vọng tơ tóc và rồi cũng lặng lẽ ra đi chẳng một lời từ biệt. Những đấu nối hợp tan liên tu bất tận chung quanh dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất gần như đã tát cạn niềm tin trong lòng hàng vạn người dân Quảng Ngãi khi họ đã kỳ vọng quá nhiều về một sự đổi đời từ dự án có số tiền khổng lồ này. Không hoài nghi sao được khi mà thời điểm gần đến ngày ký kết gói thầu số 1 rồi mà có vị đại biểu Quốc hội còn đặt vấn đề có nên đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất không? Và, theo vị đại biểu này, cảng biển Dung Quất thường xuyên bị phù sa của sông Thu Bồn bồi lắng, vì vậy, tàu trọng tải nặng sẽ không cập cảng được thì đặt nhà máy lọc dầu tại Dung Quất là không kinh tế! Xin được lưu ý: Sông Thu Bồn thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Dung Quất 80km về phía bắc. Vậy mà phù sa từ con sông này vẫn bồi lắng được cảng biển Dung Quất tận trong Quảng Ngãi, ấy mới là chuyện lạ. Lạ như Nhà máy lọc dầu đã động thổ hơn 7 năm nay mà mặt bằng trên 100 hecta của nó chỉ dùng vào mỗi một việc là nơi cung cấp cỏ cho đàn bò ngót nghét trăm con! Bao nhiêu chuyện "lạ" ấy đã từng thức ngủ vần vò trong lòng hàng vạn người Quảng Ngãi để rồi kết tinh trong họ bằng một mối hoài nghi. Nhưng những chữ ký trong bản hợp đồng về gói thầu số 1 vào buổi chiều hôm ấy là có thật. Và dự án lọc dầu lớn nhất Việt Nam sẽ được triển khai tại vùng cát trắng ấy là có thật. Vì vậy, bắt đầu từ hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi không phải bận lòng với câu hỏi "bao giờ có lọc dầu?" nữa mà cần phải đối mặt với một sự thật vừa ùa vui tung vỡ nhưng cũng vừa xoắn ruột lo toan. Một vị lãnh đạo trong Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đúc kết những chuyện liên quan đến Nhà máy lọc dầu bằng một khái niệm có 4 chữ "CH".
* Chờ và chán
Còn nhớ, mùa xuân năm 1994, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Khác với những lần thăm trước đó, lần ấy, gần như toàn bộ tâm lực của ông đều đổ dồn về phía Dung Quất-một địa danh hãy còn lạ hoắc với rất nhiều người, kể cả với không ít người dân Quảng Ngãi. Trước khi rời Quảng Ngãi, ông yêu cầu lãnh đạo tỉnh đưa ông đi một vòng quanh vịnh biển xinh đẹp này. Sau chuyến thị sát vịnh Dung Quất cũng như ngang qua địa danh Vạn Tường, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói với các cộng sự của mình: "Phải xây dựng nơi đây một thành phố hiện đại nhất Việt Nam và một trung tâm lọc hóa dầu lớn của đất nước". Chắc chắn là, câu nói ấy không phải phát lộ sau một chuyến đi mà là kết quả của những nghiên cứu xem xét nhiều tài liệu khoa học và không ít đêm trằn trọc đến mất ngủ của ông. Như một sự sắp đặt của lịch sử, mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông, trong cuộc Nam chinh, cũng đã đặt chân trên vịnh biển này và có buổi duyệt binh trước động Hàng Đô, tức thành phố Vạn Tường ngày nay. Bắt đầu từ mùa xuân ấy, Vua Lê đã cắm một cột mốc trên đất Vạn Tường, mở rộng biên cương cho tổ quốc đến vùng đất này. Bước chân của Vua Lê là bước chân của người đi khai phá, mở cõi. Gần 600 năm sau, một bước chân khác, cũng của người đứng đầu đất nước, đặt lên vùng đất Vạn Tường, mở ra một trang mới, không chỉ cho Dung Quất hay Quảng Ngãi mà là cho cả miền Trung. Sau bước chân mở cõi 600 năm trước là bước chân xây dựng. Phải mất sáu thế kỷ kể từ ngày Vua Lê mở cõi, vùng đất này mới chính thức được nhiều người quan tâm bằng quyết định của Chính phủ chọn Dung Quất làm khu lọc hóa dầu đầu tiên của đất nước và Vạn Tường sẽ là thành phố hiện đại nằm trong khu kinh tế này. Rồi phải mất đến 10 năm sau khi ban hành quyết định ấy, nhà máy lọc dầu mới chính thức khai thông và Vạn Tường mới bắt đầu mang dáng vẻ của một đô thị hiện đại. Mười năm không phải là thời gian quá dài cho một dự án có số vốn lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, song đó không phải là quỹ thời gian để chuẩn bị theo đúng nghĩa của từ này mà là do hàng loạt sự cố trục trặc nằm ngoài những tính toán và cả những toan tính của các nhà quản lý vĩ mô.
|
Thi công phân khu Sài Gòn-Dung Quất phía tây sông Trrà Bồng. |
Không bao giờ phai trong tôi hình ảnh của hàng trăm gia đình người dân Vạn Tường gồng gánh rời bỏ quê cha đất tổ để ra đi, nhường đất cho dự án lọc dầu tại xã Bình Trị huyện Bình Sơn từ 8 năm trước. Tôi đã đọc được trong mắt họ những thoáng buồn khó tả xen với niềm vui khi buộc phải hy sinh cho lợi ích chung của đất nước. Những con người ấy suốt trong những năm chống Mỹ đã đội trên đầu mình hàng ngàn tấn đạn bom nhưng không rời làng nửa bước. Cũng cần nhắc lại câu chuyện này: 40 năm trước, tháng 8.1965, chính trên mảnh đất Vạn Tường, quân đội Mỹ đã phải thất điên bát đảo như thế nào khi phải đối mặt với quân và dân Dung Quất. Ấy thế mà khi nghe Nhà nước bảo rằng tại đây sẽ mọc lên nhà máy lọc dầu, một công trình trọng điểm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà, hàng trăm gia đình đành phải gạt nước mắt ra đi. Đó là sự hy sinh quá lớn và đáng trân trọng. Thế nhưng, suốt mười năm qua, bao kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp từ dự án lọc dầu đã bị mài mòn cạn kiệt. Bao đứa trẻ dắt díu rời làng ngày nào giờ đã là những thanh niên vừa tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp các trường dạy nghề nằm dài chờ nhà máy lọc dầu khởi động để xin việc! Ông Phạm Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Bình Trị có nhà ngay trước cổng nhà máy lọc dầu liệt kê một danh sách khá dài về những thanh niên là con em trong xã được cử đi học ngành dầu khí tại Vũng Tàu, ra trường đã mấy năm nhưng chẳng thấy nhà máy động tĩnh gì nên chúng phiêu bạt tứ tán kiếm ăn qua ngày. Ông nói: " Nhà tôi đây cũng sẽ phải chuyển đi nhưng tôi chờ người ta ra quyết định ấy đến chán chê rồi mà chẳng thấy đâu". Trên 300 gia đình xóm Đồng Tre-nơi đặt nhà máy lọc dầu- chạy dạt vào khu tái định cư Gò Đường cách đó 8 cây số, cũng chờ chán chê nên đành quay lại quê cũ canh tác số diện tích mà nhà máy lọc dầu chưa trưng dụng!
Không chỉ những người dân Dung Quất buộc phải rời làng ngày ấy luôn sống trong tâm trạng chờ mong mà rất nhiều doanh nghiệp "nhanh chân" đầu tư vào Dung Quất cũng đã chết không kịp ngáp từ mấy năm nay. Nhà máy nước Dung Quất, vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, công suất 15.000 mét khối/ngày, đã phải cầm hơi từ 4 năm nay, vì mỗi năm nhà máy này chỉ bán được… 15.000 mét khối, bằng đúng công suất của một ngày! Hay như một nhà máy thuộc LILAMA chuyên sản xuất một số thiết bị phục vụ nhà máy lọc dầu đã phải "đắp chiếu" từ ba năm nay. Báo hại, công nhân nhà máy này năm nào cũng "treo" người lên những chiếc cẩu cao ngút trời để sơn chống rỉ! Chuyện "chờ" nhà máy lọc dầu hay chuyện "việt vị" của hàng loạt doanh nghiệp tại Dung Quất sẽ là câu chuyện nhiều kỳ không có hồi kết.
* Chạy hoặc "chết"
|
Tàu hai vạn tấn cập cảng Dung Quất. |
Đúng là chờ đến mỏi mệt rồi nên khi sự việc ập đến, người ta không còn sức để mà vui nữa. Dù vậy, một thực tế hiển nhiên mà Quảng Ngãi cần phải nhìn vào: Làm gì để "đón" lọc dầu một cách chủ động và hiệu quả nhất trong 4 năm tới? Nói như lời một quan chức của Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất: "Giờ hết chờ, không chán, chẳng chửi mà là chạy hoặc chết". Thoạt nghe, tưởng là chuyện "chơi chữ" nhưng ngẫm lại thấy chẳng sai tẹo nào. Thực ra, trong gần 10 năm qua, Quảng Ngãi cũng đã chạy mù trời nhưng đấy là những bước chạy không thấy đích. Những công trình thuộc cơ sở hạ tầng ở Dung Quất được coi là tốt nhất trong các khu công nghiệp hiện nay tại miền Trung mới chỉ dừng lại ở những con đường và một vài công trình khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cảm giác của những ai lần đầu đến Dung Quất chỉ là những con đường vắng lặng đến ghê người và những dải cát trắng ngút ngắt tầm nhìn mà thôi. Trong gần 10 năm qua, để phục vụ cho dự án lọc dầu và khu kinh tế, người ta đã đầu tư vào Dung Quất khoảng 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, trong 4 năm tới, Dung Quất sẽ "ngốn" đến 40 nghìn tỷ. Dĩ nhiên trong số tiền khổng lồ này, linh kiện máy móc chiếm phần lớn, song chỉ cần tính đến con số lẻ của số tiền ấy sẽ "rơi vãi" tại Dung Quất cũng đã thấy choáng rồi. Khi bắt đầu khởi động, nhà máy này cần đến 800-1.000 chuyên gia và 5.000 công nhân. Quảng Ngãi sẽ cung cấp được mấy phần trăm trong số chuyên gia và công nhân mà nhà máy sẽ cần? Chắc chắn là chẳng được bao nhiêu. Đó là chưa tính đến việc lượng người như thế, họ sẽ ăn ở, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí, chữa bệnh, học hành cho con cái ở nơi nào đây giữa một bãi cát trắng ngút ngàn này? Rồi hàng trăm doanh nghiệp lâu nay chỉ "động thổ rồi để đó", giờ nghe lọc dầu khởi động, họ sẽ ập vào đầu tư, xây dựng nhà máy, xí nghiệp với hàng vạn người cần được tuyển dụng, liệu con em Quảng Ngãi chen chân vào được mấy người? Kéo theo sự tăng tốc trong đầu tư tại Dung Quất là bao nhiêu vấn đề sẽ đặt ra. Ngay như chuyện cung cấp rau sạch cho cả khu công nghiệp này cũng là bài toán không dễ giải cho Quảng Ngãi rồi. Vì vậy, điều đặt ra cho Quảng Ngãi lúc này không phải là "chạy tà tà" mà là chạy nước rút. Cái đích đã nhìn thấy nhưng để chạm được đến đó cần phải có những đôi chân khỏe khoắn và nhanh nhạy nữa. Không "chạy" như thế trong lúc này thì cũng đồng nghĩa với "chết" vậy.
Quảng Ngãi, tháng 5.2005
. T.Đ
|