37 năm mới tìm thấy hài cốt các anh, nhưng huyền thoại về trận tập kích Chi khu Cam Lộ trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 thì người Quảng Trị không ai không biết đến...
|
Đưa 108 liệt sĩ về nơi yên nghỉ cuối cùng. |
Đêm 1 rạng ngày 2-2-1968, Tiểu đoàn 1 đặc công thuộc Trung đoàn 48, Sư 320B, Quân đoàn 3 được lệnh tấn công Chi khu Cam Lộ. Nhưng khi các mũi tiếp cận mục tiêu, chưa kịp phá hết hệ thống hàng rào bùng nhùng và mìn dày đặc thì bị lộ. Sau lời kêu gọi cảm tử của Chỉ huy tiểu đoàn, các chiến sĩ đặc công đã nhanh chóng lấy thân mình vắt qua hàng rào kẽm gai bùng nhùng dày đặc mìn để làm cầu vượt cho đồng đội tiến lên. Một thế trận bất lợi, ta không còn giữ được yếu tố bất ngờ. Đối phương đã dùng hỏa lực mạnh từ nhiều phía, kể cả pháo từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và các căn cứ khác dội xuống. Pháo sáng treo đầy trời, chiến sĩ ta nằm phơi lưng dưới tầm đạn pháo, thương vong nặng nề. Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết. Sáng hôm sau, địch gom thi thể các anh lại một nơi, rải xăng bột, phóng hỏa, rồi dùng xe ủi lèn đất phẳng lì...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sư đoàn 320, Trung đoàn 48 và chính quyền địa phương đã nhiều lần tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ đặc công nhưng không được. Anh Trần Công Phán, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ kể, riêng huyện đã tổ chức 3 đợt tìm kiếm quy mô lớn nhưng không xác định ra vị trí. Chi khu Cam Lộ cũ nằm ngay Quốc lộ 9, nay là trung tâm thị trấn huyện. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương đã cho dựng một nhà bia ghi danh 108 liệt sĩ, để ngày giỗ các anh (2-2-1968) cán bộ và nhân dân đến dâng hương tưởng nhớ. Nhà bia đó chỉ cách nơi các anh nằm khoảng 50 mét.
Trưởng phòng Nội vụ, lao động và thương binh xã hội huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, sụt cân hẳn sau một tuần "nằm hầm" cùng các liệt sĩ. "Tin tìm thấy hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 48 đã làm cho cả huyện Cam Lộ xôn xao. Bà con ở rất xa cũng đến tận miệng hầm, thắp hương viếng các anh, ngày nào cũng đông nghìn nghịt. Họ sụt sùi khóc vì thương các anh, rồi mừng vì cuối cùng đã tìm thấy các anh".
UBND Cam Lộ đã huy động lực lượng tối đa để khai quật cái hố có độ sâu 2m, rộng 40m2, đưa toàn bộ các anh lên. Quảng Trị cuối tháng 5 nắng như đổ lửa, hàng chục bộ đội cùng nhân dân cẩn thận xới từng nắm đất tìm kiếm phần hài cốt và di vật của các anh còn sót lại. Mồ hôi trộn cùng nước mắt. Các anh còn quá trẻ, hầu hết tuổi 20, có những người mới 17 tuổi. Tên các anh thì đầy đủ, nhưng không thể phân biệt từng người. Chỉ có thể đưa các anh về nghĩa trang, trong một ngôi mộ chung. Các anh sẽ giữ nguyên đội hình như khi chiến đấu giữa hàng vạn đồng đội liệt sĩ và trong tình thương yêu, tri ân của đồng bào, đồng chí.
Lễ truy điệu 108 liệt sĩ vừa được tổ chức trọng thể hôm 26-5 trước sự xót thương của hàng ngàn cán bộ, nhân dân địa phương. Một bà lão vừa hóa vàng cho liệt sĩ, vừa khóc: "Mấy chú ở với bầy tui mấy chục năm ni, đêm mô tui cũng hương khói khấn xin chỉ chỗ, rứa mà đến chừ mấy chú mới về đó". Ông Dương Xuân Phượng ở khóm 1, thị trấn Cam Lộ kể: "Thỉnh thoảng người nhà tui nằm mơ thấy có rất nhiều bộ đội chạy rầm rập quanh nhà mà tui không tin. Té ra mấy chú ở trong vườn mấy chục năm ni rồi mà không biết". Ông Phượng chính là người đã đào móng xây nhà và phát hiện ra dấu vết hài cốt liệt sĩ.
Hôm đưa tiễn các anh trên Nghĩa trang quốc gia Đường 9, cả ngàn người đã lặng đi. Và khi khúc Hồn tử sĩ vừa dứt, không gian đang thinh lặng thì bỗng nhiên có hai người phụ nữ áo, nón tả tơi chạy ào qua hàng quân, xoài mình trên sáu cỗ quan tài lớn đựng hài cốt 108 liệt sĩ: "Anh Cung ơi! Anh Cung ơi! Anh ở đâu? Em là bé Bảy của anh đây! Các chú, các anh ơi, chỉ giùm anh Cung cho nhà cháu với!". Tiếng kêu xé lòng khiến chẳng ai cầm được nước mắt. Nhưng cả ngàn người đây, ai có thể giúp chị tìm ra anh trai mình trong số 108 liệt sĩ đó?
Người phụ nữ đó là chị Vũ Thị Bảy, quê ở thôn Nam Phán, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chị có ba người anh đi bộ đội. Lần nào tiễn các anh đi, họ đều vuốt tóc em gái gửi gắm mẹ già và hẹn ngày đoàn tụ. Rồi chiến tranh kết thúc, trai làng lục tục trở về, riêng ba người anh của chị Bảy thì không. Mỗi đêm nhớ con, mẹ già chỉ biết ra sân quay mặt về phương Nam mà vái. May nhờ có tin báo, chiều qua chị Bảy lên xe khách chạy cả đêm, 4 giờ sáng nay kịp có mặt để tiễn chân anh trai. Anh trai chị là một trong 108 liệt sĩ - chuẩn úy Vũ Xuân Cung, Chính trị viên phó Đại đội 1.
Nghe chị Bảy khóc, một bà cụ ngoài 70 tuổi an ủi: "Chị thế là còn phúc, còn được tiếng khóc. Tôi đây 30 năm tìm chồng, gần đất xa trời rồi mà nào đã thấy đâu". Rồi cụ òa khóc: "Tôi 73 tuổi rồi, sợ không còn sức mà đi tìm chồng nữa. Không tìm được ông mà chết thì tôi biết lối đâu mà cùng về với ông đây, ông ơi". Đó là cụ Nguyễn Thị Dòn, ở xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm nào cụ cũng cầm tờ giấy báo tử "Hy sinh ở mặt trận phía Nam" khăn gói vào các tỉnh miền Nam để tìm chồng. Ở đâu có tin tìm thấy hài cốt liệt sĩ là cụ đến. Hy vọng, trông chờ, rồi thất vọng. Nhưng cụ vẫn đi, vẫn tìm, vẫn hy vọng. Hy vọng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay...
. Theo Thanh Niên |