Một tầng lớp trung lưu mới với những người tiêu dùng trẻ tuổi, am hiểu về công nghệ, có tiền để mua điện thoại di động, hàng điện tử gia dụng và các mặt hàng đắt tiền khác sẽ là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.
Trưởng phòng kế toán Nguyễn Minh Đức là một người trong số đó sống tại thủ đô Hà Nội. Vào một buổi sáng tháng 5, tại một khu phố buôn bán lớn, nơi có bày bán đầy những sản phẩm với những nhãn hiệu nổi tiếng, anh đã mua một máy camera kỹ thuật số của Nhật Bản có giá 1000 USD.
Anh Đức, 30 tuổi, nói: "Tôi thích hàng điện tử và tôi dành dụm trong khoảng năm tháng để mua chiếc camera này. Tôi chủ yếu sử dụng camera này để ghi lại hình ảnh gia đình của tôi".
Nghiên cứu thị trường cho thấy, trong hai năm qua, mức chi tiêu của hộ gia đình đã tăng 25% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một dấu hiệu cho thấy một tầng lớp trung lưu mới đang hình thành ở các thành phố và thị trấn tại đất nước có 82 triệu dân.
Ông Ralf Malthaes, Tổng giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu TNS nói, xu hướng tiêu dùng nhiều hơn đã phản ánh thu nhập khả dụng trong tổng thu nhập đã tăng từ 18% lên 40% trong 5 năm qua tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc chuyển sang áp dụng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong 15 năm qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Năm 2004, ước tính tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,7% và chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu kinh tế năm nay đạt tốc độ tăng trưởng 8,5%.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, lạm phát trong năm 2004 của Việt Nam tăng mạnh, ước tính đạt 9,7% và năm nay ước tính lạm phát tăng thấp nhất là khoảng 7,5%, tương tự như các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á.
Theo TNS - công ty nghiên cứu thị trường Việt Nam trong 9 năm qua, một nửa trong số tất cả các hộ gia đình (ước tính khoảng 11 triệu người) đang sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có điện thoại di động và 1/3 số hộ gia đình có máy tính cá nhân. Số gia đình mua nhà, ô-tô, xe máy, tủ lạnh và máy giặt tăng lên.
Ông Ralf Malthaes nói: "Người dân Việt Nam làm việc rất chăm chỉ".
Bà Susan Adams, đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Hà Nội cho rằng, phần tiêu dùng của nhóm từ 20 đến 25 tuổi có ý nghĩa quan trọng giúp kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao trong 5 đến 10 năm tới.
. Theo Nhân Dân
|