Trọng tâm của Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sẽ được trình Quốc hội trong tuần tới là phát triển những quy định về phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tham nhũng mới phát sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Tổ trưởng tổ biên tập dự thảo luật này lý giải rằng những quy định hiện hành về phát hiện, xử lý tham nhũng tương đối tốt, Chính phủ chủ trương tập trung khâu phòng ngừa. Dự luật đưa ra 5 vấn đề mấu chốt để phòng ngừa tham nhũng là công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; xây dựng quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức và những người tham gia các cơ quan dân cử; minh bạch tài sản; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đẩy mạnh cải cách hành chính.
Trong các vấn đề này, minh bạch tài sản được coi là vấn đề có tính then chốt. Bên cạnh quy định về kê khai tài sản của cán bộ công chức, điểm mới nổi bật của dự luật lần này là quy định công khai tài sản kê khai, đồng thời thiết lập cơ chế xác minh tài sản riêng của cán bộ, công chức trong trường hợp cần thiết. Dự luật quy định bốn trường hợp phải công khai tài sản là người chuẩn bị được đề bạt, bổ nhiệm; những người ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; những người chuẩn bị được bầu khi tiến hành đại hội của các tổ chức chính trị-xã hội có sử dụng ngân sách nhà nước và những đối tượng bị khởi tố về tội tham nhũng.
Giải đáp băn khoăn về việc những quy định trên sẽ khó thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ở quá trình chuyển đổi, tài sản của cán bộ công chức hình thành bằng nhiều nguồn khác nhau, khó quản lý, ông Thanh cho biết, Dự thảo luật cũng quy định một số biện pháp hỗ trợ thực hiện những quy định về minh bạch tài sản. Chẳng hạn như quy định hạn chế phương thức thanh toán bằng tiền mặt, một số giao dịch với lượng tiền nhất định nào đó bắt buộc phải qua chuyển khoản để hạn chế tham nhũng.
Một vấn đề gây bức xúc trong xã hội lâu nay là trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan trong trường hợp để xảy ra tham nhũng cũng được dự luật đề cập cụ thể và có nhiều đổi mới. Bên cạnh dành một mục riêng về vấn đề này, dự luật còn quy định trong những kết luận thanh tra, điều tra và báo cáo kiểm toán phải có phần kết luận cụ thể về mức độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Kết luận đó phải nêu rõ nguyên nhân của vụ việc là do người lãnh đạo thiếu trách nhiệm hay do trực tiếp tham gia vào quá trình tham nhũng để có biện pháp xử lý cụ thể.
. Theo TTXVN |