Trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, đường Hồ Chí Minh đã thành một huyền thoại truyền tụng khắp thế giới. Rất nhiều chính khách, sử gia, học giả nước ngoài nghiên cứu con đường "mòn" ấy.
Cuối năm 1954, kẻ địch lợi dụng việc chuyển quân tập kết, liền thiết lập hành lang ngăn chặn liên lạc giữa hai miền nhằm bóp nghẹt phong trào đấu tranh ở miền Nam. Các cấp ủy Đảng các địa phương sớm đã chủ động xoi đường, bí mật dựng lại các vùng căn cứ. Giữa tháng cuối năm 1954 Tỉnh ủy Quảng Trị kịp thời khôi phục trạm Tà Long, xoi đường Bãi Hà- Vĩnh Linh lên Con Tăm vượt đường 9 tới Cheng. Đồng chí Lê Hành, Tỉnh ủy viên trực tiếp xoi lập bảy trạm, đặt tên "Tuyến giao liên Lam Sơn". Cùng lúc, các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên xoi được các đoạn hành lang Bắc Sơn, Bình Sơn, Tây Sơn…
Như thế là cuối năm 1958, trên Trường Sơn đã hình thành đường dây giao liên Nam Bắc do các đoạn của từng địa phương tiếp nối dù chưa hoàn toàn thông suốt thường xuyên. Con đường đã vận chuyển trót lọt 216 gùi công văn tài liệu, dẫn 3500 lượt cán bộ vào ra các chiến trường. Nó là tiền đề cho sự suy nghĩ, là chỗ dựa cho sự hình thành tuyến 559 sau này.
Ngày 2-5-1959, có quyết định thành lập "Cơ quan nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự miền Nam". Ngày 5 tháng 5, thường trực Quân ủy giao nhiệm vụ cho thượng tá Võ Bẩm cùng một số ngành hữu quan tổ chức thực hiện.
19-5-1959, thường trực Quân ủy họp ban cán sự cơ quan bàn kế hoạch tiến hành đặt tên Đoàn 559. Sau nhiều lần Đoàn 559 tiến hành khảo sát lúc này tuyến đường căn bản nương tựa đường dây Thống Nhất và một số đoạn đường của các chiến trường. Khi địch càn quét lớn, đường đông Trường Sơn bị tắc, phải xoi lên tây Trường Sơn, nhưng vẫn trong địa phận Quảng Bình.
Cuối năm 1961 bắt đầu có đường ô tô từ ngã ba Khe Ve (Quảng Bình) theo đường 12, đường 129, đường 9 tới bản Động. Những năm sau phát triển tới Lộc Ninh. 1971-1972 mạng đường mở thêm 5 trục dọc có hệ thống đường "kín" và 21 trục ngang đi các chiến trường. Sau Hiệp định Pa-ri, Đoàn 559 mở đường đông Trường Sơn áp sát hậu cứ các quân khu vào tới miền Tây Nam Bộ. Tất cả các đường ô tô vượt lên tây Trường Sơn đều nằm trên địa phận Quảng Bình, Vĩnh Linh.
Sau Hiệp định Pa-ri, Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam, tuyến 559 liền đổi mới thế trận vận tải: Mở đường ô tô dọc đông Trường Sơn vào Lộc Ninh, kéo lùi đầu đường Trường Sơn ra Khe Gát (nam đèo Đá Đẽo- Quảng Bình). Tuyến Trường Sơn được đặt tên chính thức: Đường Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn đầu, phương thức vận tải là gùi thồ bằng sức người là chủ yếu. Sau đó, một hệ thống đường ô tô và vận tải cơ giới trên đường Trường Sơn ra đời nhằm đáp ứng kịp thời và có hiệu quả sự phát triển như vũ bão của cách mạng miền Nam.
Đường Hồ Chí Minh khởi đầu từ huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vắt qua núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, chạy suốt đến Chơn Thành, dài 16 ngàn cây số, gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, một tuyến đường kín cho xe chạy ban ngày dài 3.100 cây số, một hệ thống đường sông gần 500 cây số và một hệ thống đường ống dẫn dầu dài 3.000 cây số từ miền Bắc vào tận Lộc Ninh. Điều thật đáng nói là trước những ác liệt về bom đạn của địch và địa hình thiên nhiên có quá nhiều hiểm trở, song các chiến sĩ của ta đã tạo nên hàng chục ngàn km đường và hệ thống các trạm giao liên dày đặc cho đại quân của ta tiến vào thành phố Hồ Chí Minh.
Hoàn thành con đường Hồ Chí Minh, đến ngày chiến thắng đã có 19.387 chiến sĩ đã hy sinh và 32.047 chiến sĩ bị thương để giữ vững con đường huyết mạch chiến lược này. Trong đó có người cán bộ sĩ quan tài giỏi thao lược, dũng cảm, can trường là đại tá Đặng Tính, Chính ủy bộ đội đường Hồ Chí Minh.
Bằng chính con đường Hồ Chí Minh, một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược… là 1,4 triệu tấn và hàng chục vạn bộ đội được chuyển vào Nam phục vụ chiến trường. Trong chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã khắc phục muôn vàn khó khăn, anh dũng bảo đảm giao thông thông suốt, sửa chữa và khôi phục 88 chiếc cầu các loại với chiều dài 3.416 mét. Để tìm cách đánh phá con đường chiến lược này, Đế quốc Mỹ đã huy động 96 chuyên viên quân sự cao cấp của Lầu năm góc vào tìm hiểu nghiên cứu, tập trung các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để ngăn chặn, hủy diệt con đường. Nhưng với quyết tâm sắt đá "đường chưa thông, không tiếc máu xương", "thông đường thông xe trong mọi tình huống", "địch đánh, ta cứ đi", bộ đội Trường Sơn đã dũng cảm phá hơn 12 ngàn quả bom từ trường, 83 ngàn quả mìn các loại, đào và đắp hơn 7 triệu m3 đất để lấp hố bom và các đoạn đường sạt lở. Lực lượng binh chủng phòng không trên đường Trường Sơn đã đánh hàng trăm ngàn trận, bắn rơi 2.450 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái và tiêu diệt hàng ngàn lính ngụy đổ bộ bằng đường không. Mức độ ác liệt của sự đánh phá của địch là khó mà tưởng tượng nổi và ngày một tăng theo đà thất bại của của cuộc chiến tranh trên bộ của chúng.
Ai đã một lần có mặt ở đường Trường Sơn hẳn là sẽ hiểu rõ sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ của một dân tộc ta cho ngày chiến thắng.
Đường Hồ Chí Minh, con đường của ý chí cách mạng tiến công, con đường của cách mạng vũ trang. Đường Hồ Chí Minh, tuyến đường chiến lược duy nhất nối liền tiền tuyến lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ với hậu phương miền Bắc, thể hiện sinh động và rõ nét sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Đó là con đường huyền thoại, một công trình lịch sử vĩ đại của quân và dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và góp phần làm nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với Lào và Campuchia anh em.
. Theo Báo Yên Bái
|