Qua đợt khai quật di tích mộ chum văn hóa Sa Huỳnh tại địa điểm Gò Quê, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Quảng Ngãi đã tìm thấy một khu mộ táng gồm 18 mộ chum và 13 ngôi mộ đất.
Quần thể mộ chum mang dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy trong quá trình xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất. Đợt khai quật này đã cung cấp thêm cho kho tàng văn hóa Sa Huỳnh 67 loại hình hiện vật có giá trị như các đồ vật có chất liệu bằng sắt, bằng đồng, các loại đồ đá, thủy tinh và đồ gốm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh và Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho biết kết quả khai quật cho thấy xã hội người Sa Huỳnh vào thời điểm này đã có sự phân hóa rõ nét. Trong số 31 mộ táng tìm được, có một mộ được chôn theo 12 đồ vật quý hiếm như tấm che ngực, giao găm, giáo đồng, giáo sắt, riêng rìu đồng có tới 4 chiếc, cho thấy đây là mộ táng của một thủ lĩnh lớn trong vùng. Trong khi đó, phần lớn các mộ còn lại không có bất kỳ hiện vật nào ngoài đồ gốm. Điều đó chứng tỏ cách đây hơn 2000 năm, xã hội Sa Huỳnh đã có tiền đề cho việc hình thành một hình thức nhà nước sơ khai.
Các nhà khoa học còn khẳng định khu mộ Gò Quê cho thấy sự giao lưu văn hóa mật thiết giữa hai nền văn hóa đại đồng là Đông Sơn ở miền Bắc và Sa Huỳnh ở miền Trung. Sự phát hiện và nghiên cứu khu mộ Gò Quê góp phần khẳng định Quảng Ngãi là một trung tâm lớn của văn hóa Sa Huỳnh. Khu mộ Gò Quê được phát hiện đã trở thành một mắt xích quan trọng trong việc phục dựng bức tranh toàn cảnh về nền văn hóa Sa Huỳnh và cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá để nghiên cứu về sự giao lưu của nền văn hóa này đối với nhiều vùng ở khu vực Đông Nam Á vào thời điểm vài trăm năm trước Công nguyên.
Các nhà khoa học cho rằng, địa bàn cư trú của cư dân Sa Huỳnh cổ còn nằm ở khu vực lân cận như thôn Sơn Trà hoặc thôn Tân Hy của xã Bình Đông, do vậy trong thời gian tới, khi thực hiện dự án di dời dân cư ở hai thôn này để xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất cần thông báo để ngành văn hóa khảo sát.
.Theo TTXVN |