Trong một thông điệp khẩn cấp phát đi nhân ngày tự do báo chí thế giới 3-5, Hiệp hội Báo chí thế giới kêu gọi hãy cùng góp một tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do báo chí.
|
Lễ ra mắt CLB Nhà báo Công nghệ thông tin |
Cùng với đó, Hiệp hội kêu gọi đưa những kẻ ngăn cản tự do báo chí ra trước công lý và bảo vệ nhà báo, những con người mang sự thật đến cho nhân loại.
Theo Hiệp hội báo chí thế giới, chỉ trong 10 năm trở lại đây đã có hơn 500 nhà báo đã bị giết hại ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ những quốc gia có chiến tranh đến những quốc gia đang sống trong hòa bình.
Theo số liệu của Tổ chức Nhà báo không biên giới, riêng từ đầu năm 2005 đến nay, đã có 11 nhà báo bị giết hại. Những nhà báo bị giết hại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vì tai nạn nghề nghiệp thì ít, vì bị mưu sát thì nhiều. Họ đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho một bài báo được viết ra, một bức ảnh chụp được.
Có người đã nói "Viết một bài báo dở, bạn có thể mất việc. Viết một bài báo hay, bạn có thể mất mạng". Ấy thế mà hầu hết các nhà báo đều chọn con đường thứ hai: Viết ra những bài báo hay, tôn trọng sự thật, tôn trọng độc giả, bất kể sự nguy hiểm đến tính mạng của mình.
Là một nhà báo, là đương đầu với hiểm nguy, dấn thân để tiếp cận sự thật, dùng ngòi bút của mình để đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Thật đau lòng là tên các nhà báo bị sát hại ngày một nhiều thêm, ở khắp mọi nơi trên thế giới, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi quốc tịch. Nhưng một điều bất công hơn cả là có đến hơn 80% vụ giết hại nhà báo không được điều tra đến nơi đến chốn và hầu hết những kẻ gây tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
. Theo Tiền Phong |