Các chuyên gia năng lượng của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) ba địa điểm được cho là phù hợp nhất để xây dựng nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên tại Việt Nam là Phù Yên Đông và Phù Yên Tây (thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và Bắc Ái (thuộc tỉnh Ninh Thuận).
Theo kế hoạch, vào cuối năm nay, EVN sẽ trình Chính phủ phê quyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 6 (từ 2005-2015, có xét đến triển vọng 2025-2030), trong đó chính thức kiến nghị địa điểm và thời gian xây dựng nhà máy thủy điện tích năng.
Theo bản quy hoạch được các chuyên gia của JICA, nhà tài trợ và tư vấn dự án xây dựng thủy điện tích năng, đưa ra trong cuộc họp mới đây với EVN, mỗi nhà máy thủy điện tích năng sẽ có công suất khoảng 1.200MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 700-800 triệu USD.
Các chuyên gia đánh giá rằng trong 3 địa điểm trên, Phù Yên Đông có chỉ tiêu kinh tế tốt hơn, cần nghiên cứu xây dựng trước. Dự kiến nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên sẽ được triển khai xây dựng vào năm 2018.
EVN cho biết nếu như thủy điện thông thường phải xây đập ngăn sông cho nước dâng cao thành một hồ chứa khổng lồ thì thủy điện tích năng sẽ xây hai hồ chứa nước ở độ cao khác nhau, thường chênh nhau vài trăm mét. Vào lúc thấp điểm, điện năng dư thừa được sử dụng để bơm nước lên hồ trên cao. Ngược lại, vào lúc cao điểm, nước được chảy từ hồ trên xuống hồ dưới để phát điện.
Với thủy điện tích năng, các hồ chứa chỉ cần tích đủ nước cho việc sử dụng trong một vài giờ nên có diện tích nhỏ (dưới 1 km2), giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên và sinh thái trong xây dựng nhà máy.
EVN cho rằng, thủy điện tích năng ra đời sẽ giải quyết được bài toán thiếu điện lúc cao điểm và thừa điện giờ thấp điểm như hiện nay.
. Theo KTĐT
|