Theo Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm cảnh báo sóng thần và tham gia mạng lưới cảnh báo sóng thần ở khu vực Thái Bình Dương.
|
Sơ đồ hệ thống cảnh báo tại Thái Bình Dương |
Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (cơ quan được trao nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất những yêu cầu cho việc xây dựng trung tâm nói trên) cho biết, mạng lưới kỹ thuật của hệ thống cảnh báo sóng thần cần được lồng ghép trong các hệ thống theo dõi và phòng tránh các dạng thiên tai khác thường xuyên xảy ra để việc theo dõi được liên tục.
Ông Đức cho rằng, không thể mất cảnh giác với nguy cơ xảy ra sóng thần ở Việt Nam bởi Việt Nam có trên 3.000km bờ biển tiếp giáp với biển Đông, nơi có dải đứt gãy Philippines nằm ở phía Đông là khu vực đã từng có những trận động đất lớn gây sóng thần.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch phổ biến cho người dân kiến thức phòng tránh thiên tai, bão, sóng thần. Ngoài ra, còn phải nâng cao nhận thức cho cộng đồng để người dân biết cần phải di tản sớm khi thấy nước biển rút đột ngột. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, kế hoạch này sẽ được hoàn thành để triển khai.
Vùng biển Việt Nam hiện có 21 trạm khí tượng hải văn do Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia quản lý. Bên cạnh đó, có một số trạm đo đạc địa chấn do Viện Vật lý địa cầu quản lý giám sát. Các trạm này, tuy đã được trang bị nhiều phương tiện kỹ thuật mới nhưng vẫn chưa đủ năng lực để cảnh báo sóng thần sớm.
Tại khu vực Thái Bình Dương, hiện có trung tâm cảnh báo sóng thần khu vực và một trung tâm cảnh báo sóng thần của Nhật Bản.
. Theo TTXVN |