|
Đường phố Hải Phòng ngập chìm trong nước, cây cối gãy đổ ngổn ngang. |
Trưa 31-7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Bão đã gây ra gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9 ở vùng biển từ Hải Phòng đến Nam Định ngoài vịnh Bắc Bộ gió giật cấp 10, cấp 11.
Theo Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thủy văn, hôm nay 1-8, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, sâu vào đất liền và suy yếu. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ vẫn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, biển động rất mạnh. Các tỉnh thuộc phía đông Bắc Bộ còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, có nơi mưa rất to, trên các khu vực sông suối cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt trượt đất đá.
Tại Thái Bình, mưa bão đã làm một người ở huyện Thái Thụy thiệt mạng, 10 người bị cô lập ngoài đầm tôm, đến 19 giờ 30 ngày 31-7 Bộ đội Biên phòng đã đưa được 2 người vào bờ an toàn; 2.000 ha đầm tôm đang thời kỳ thu hoạch bị mất trắng ước khoảng 500 tấn tôm; thiệt hại trên 3.000 ha hoa màu. Trước mắt diện tích lúa mới cấy của tỉnh chưa bị thiệt hại nhiều nhưng nếu tiếp tục mưa trong những ngày tới thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Tại Hải Phòng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I cho biết gió giật mạnh khiến ụ nổi của Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu ở phía nam vịnh Cát Bà bị đứt dây. Khi đó trên ụ nổi đang có 30 người. Rất may ụ nổi đã trôi dạt vào cọc 11 luồng Hải Phòng nên số người trên ụ vẫn an toàn. Tại khu vực phía nam vịnh Cát Bà có 1 bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên bị trôi dạt, có nguy cơ bị đắm, trên bè có 2 người. Cho đến 19 giờ ngày 31-7, các cơ quan tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tìm thấy chiếc bè và 2 người này. Một số đoạn đê phía đông nam đảo Cát Hải bị sóng tràn qua mặt đê, nhiều khả năng vỡ, hiện chưa kiểm tra được mức độ vỡ do nước chưa rút. Tuyến đê biển 1 và 2 ở Đồ Sơn bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, có nơi sạt sâu đến 2m. Tất cả các đầm nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tràng Cát đều bị vỡ, nước ngập trắng, một số người trông coi đầm phải chạy vào lánh nạn tại đê quốc gia; khu vực đảo Đình Vũ ngập chìm trong biển nước. Tại 2 xã Văn Phong và Hoàng Châu (Cát Hải) có 200m đê bị vỡ, 5 km đê bị sạt lở. Khu vực nội thành Hải Phòng cây đổ hàng loạt, các tuyến đường chính nước ngập rất cao, một số cột điện bị đổ gây nguy hiểm cho người qua lại.
Lúc 10h ngày 31-7, gió giật mạnh đã làm gãy đôi một tàu đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển giáp ranh Hải Phòng, Quảng Ninh, trên tàu có 19 người quốc tịch Trung Quốc. Ngay sau đó chiếc tàu bị mất liên lạc với đất liền. Đến 19h ngày 31-7, vẫn chưa tìm kiếm thấy 19 người này.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Quảng Ninh, ở huyện Vân Đồn bão đã làm đổ 2 cột phát sóng cao 20m, có 3 tàu đánh cá bị đắm; tuyến đường từ đất liền ra đảo Tuần Châu bị sạt lở nhiều đoạn.
Tại Nam Định, bão đã làm sạt 300m kè của tuyến đê huyện Giao Thủy, 11.000 ha lúa mới cấy bị ngập chìm trong nước.
. Theo Thanh Niên |