Một đảng viên đứng ra làm kinh tế, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Anh còn lập một chi bộ Đảng trong Cty của mình để anh em sinh hoạt, phấn đấu…
* Khởi đầu gian khó
|
Anh Hải luôn gần gũi với công nhân. |
Tiếp tôi trong căn nhà có kiến trúc xinh xắn, bài trí đẹp mắt tại đường Trường Sơn, Q.10, TPHCM, anh Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Cty TNHH Ngọc Bích luôn cởi mở.
Lâu nay, anh Hải được đánh giá là một đảng viên, Bí thư chi bộ và là chủ doanh nghiệp thành đạt. Anh Hải quê ở Hải Phòng, năm nay 51 tuổi, một vợ 2 con, là bộ đội phục viên. Anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa, vợ học ĐH Ngoại ngữ khoa Tiếng Nhật. Trước đây, 2 vợ chồng đều làm dệt may cho Nhà nước ở Nha Trang. Cuộc sống ở Nha Trang vất vả, thu nhập thấp nên chị Hạnh - vợ anh xin nghỉ việc từ Nha Trang về TPHCM kiếm sống.
Do biết tiếng Nhật, lại rành về ngành may và sau đó là quyết tâm của cả gia đình, năm 1997 anh Hải chị Hạnh đã lập Cty TNHH Ngọc Bích (tên con gái họ) chuyên gia công hàng kimono xuất sang thị trường Nhật.
Sự khởi đầu của Cty TNHH Ngọc Bích khá gian nan: Phải đi thuê nhà xưởng với giá cao, rồi lượng hàng phụ thuộc hoàn toàn vào phía Nhật. Anh Hải cho biết: Làm gia công cho người Nhật phải thật tỉ mỉ, kỹ thuật cao và khéo tay. Công nhân ngồi trong phòng lạnh, không được để mồ hôi tay, nước bọt văng vào áo.
Chỉ sơ ý một chút để nước bọt văng vào áo sẽ ố, khi đó hàng sẽ bị trừ 60 USD/chiếc tiền tẩy ố. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kiểm tra chặt từng chiếc kim thêu, sót 1 chiếc kim trên áo sẽ bị trừ ngay 1.000 USD/ chiếc, nếu tái phạm có thể bị hủy hợp đồng. Năm 2003, việc làm ăn của Cty trở nên khó khăn khi một khách hàng cắt hợp đồng.
Không còn cách nào khác, anh Hải lặn lội tìm kiếm thị trường và tiếp tục gia công cho một khách hàng khác. Rồi mọi việc cũng đi vào quy củ: từ 120 công nhân năm 1997, đến năm 2003 Cty TNHH Ngọc Bích đã có 800 công nhân. Từ một Cty Ngọc Bích, đến năm 2004 anh Hải đã thành lập thêm một Cty "em" Minh Bích, hoạt động trên cùng lĩnh vực.
Tháng 6 vừa qua, phía Nhật Bản công bố một tin mừng: Cty TNHH Ngọc Bích là khách hàng Việt Nam lớn thứ 2 trên thị trường Nhật Bản (Việt Nam hiện có trên 100 Cty chuyên gia công kimono cho Nhật Bản).
Anh Hải tâm sự: "Làm việc với người Nhật, cái quan trọng nhất là chữ tín". Có lần, anh vừa nhận gia công hàng kimono mà theo hợp đồng thì đầu tuần sau mới giao nhưng cuối tuần ấy, người phụ nữ đặt hàng cần áo để mặc trong một buổi dạ tiệc.
Ông chủ người Nhật liên hệ với anh Hải xem có thể thực hiện được không, vì đây là khách hàng đặc biệt. Anh đồng ý. Sau khi may xong, dù chỉ có một chiếc áo nhưng Cty cũng phải mua vé máy bay mang sang tận nơi để khách hàng kịp dự buổi lễ.
Anh Hải cho biết: Người Nhật rất coi trọng chữ tín. Tôi chứng minh cho họ mình cũng như vậy. Hàng luôn đảm bảo đúng quy định, đúng thời gian.
Nhiều lần họ sang Việt Nam kiểm tra nhà xưởng, máy móc và đều ưng ý. Họ nói để họ "bao" ăn nghỉ. Nhưng tôi không chịu, tôi tiếp đón đàng hoàng rồi nói với bạn hàng: "Ông là bạn làm ăn với tôi, qua Việt Nam thì ông là khách nên tôi tiếp".
Tôi quan niệm, mình với họ là đối tác của nhau chứ không phải Cty mẹ, Cty con. Mình phải ngang bằng với họ chứ không phải cầu cạnh, lép vế. Vì thế, nhà xưởng tôi xây dựng hết, máy móc cũng do mình mua hoặc mượn theo yêu cầu của họ và gia công cho họ.
* Giữ vững phẩm chất: Bí quyết của thành công
Ngày 12-11-2004 là một ngày đáng nhớ của anh Hải, ngày đó anh đã thành lập chi bộ đầu tiên của Cty với 3 đảng viên do anh làm Bí thư chi bộ. Có người nói Cty tư nhân lập chi bộ làm gì cho mệt, nhưng anh đã quyết. Đầu năm 2005, kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2, Cty đã kết nạp thêm được một đảng viên mới.
Mới đây, nghe tin Hội nghị Trung ương 12 bàn và thống nhất việc cho phép đảng viên làm kinh tế không hạn chế quy mô, để trình Đại hội Đảng X xem xét, vợ chồng anh Hải mừng lắm. Anh tâm sự: "Việc cho phép đảng viên làm kinh tế là hoàn toàn đúng đắn, vì mọi người đều có thể làm giàu, còn đảng viên thì sao lại không được?
Đảng viên giữ được phẩm chất và làm giàu thì tốt cho xã hội chứ sao. Hiện nay tôi đang quản lý 2 Cty với khoảng gần 1.000 công nhân, mà 95% là lao động nữ. Những lúc khó khăn nhất, Cty phải hoạt động cầm chừng nhưng tôi quyết tìm thêm đối tác chứ không thể để một người thất nghiệp. Đến nay, lao động trong Cty đều ổn định, thu nhập trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng, có người 7 triệu đồng/tháng.
Tôi còn thành lập chi bộ, công đoàn trong Cty và mọi tiêu chuẩn chế độ đều công khai, rõ ràng bằng các thông báo, quy định dán tại nơi làm việc. Nói thật, lợi nhuận của Cty tôi xếp hàng thứ yếu, con người mới là quan trọng. Nếu để làm giàu, tôi có thể làm nghề khác giàu hơn nhưng việc này lại giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động hơn".
Chị Loan, công nhân Cty kể: "Cách đây 2 năm, em bị suy thận, phải thay. Khi ấy, em cũng khó khăn: Chồng là bộ đội xa nhà, con còn nhỏ nên chưa biết tính sao thì Cty và đích thân giám đốc đã đến thăm động viên em. Mọi chi phí sau này Cty đã lo cho gia đình em".
Dạo một vòng quanh khu vực Cty, những nữ công nhân từ nhiều tỉnh thành về đây đang miệt mài lao động. Nhìn lên bảng chấm công cũng biết được rằng cứ hàng tháng có 50 người nghỉ vì ốm đau, thai sản.
Khi được hỏi về cuộc sống, nữ công nhân nào cũng khẳng định: Chúng em có điều kiện làm việc và thu nhập rất tốt. Hơn thế nữa, Giám đốc Nguyễn Văn Hải đang xây dựng một khu lưu trú 7 tầng với hàng chục căn hộ cho công nhân thuê với giá rẻ và hàng ngày có xe đưa đón.
. Theo Tiền Phong |