Khoa Hóa trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội đã thành công trong việc chế tạo một hệ thống dây chuyền xử lý nước thải đa năng phục vụ cho các làng nghề.
Đây là đề tài do làng nghề dệt nhuộm Vạn Phúc (Hà Tây) đặt hàng. Hệ thống dây chuyền được thử nghiệm tại làng nghề nói trên từ tháng 4-2005 đến nay và cho kết quả tốt.
Sau khi qua hệ thống dây chuyền này, 90% hợp chất độc hại có trong nước thải sẽ được xử lý. Nếu muốn tái sử dụng nguồn nước cho sản xuất, một bộ phận xử lý khác sẽ được lắp thêm vào hệ thống thiết bị để loại bỏ hoàn toàn chất thải tồn dư trong nước, nước sẽ đạt tiêu chuẩn loại A.
Thiết bị có thể xử lý được nhiều loại nước thải trong sản xuất như nước thải dệt nhuộm, làm giấy, công nghiệp thực phẩm, nước thải sinh hoạt với quy mô xử lý từ 5 đến 1.500 mét khối/ngày đêm. Tại các làng nghề, hệ thống này có thể xây dựng bằng gạch trong từng gia đình hoặc từng cụm gia đình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn cho biết, theo kế hoạch, sau làng nghề dệt lụa Vạn Phúc sẽ đến làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (Bắc Ninh) sử dụng thử nghiệm và đến năm 2010, các làng nghề trong cả nước sẽ được lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý nói trên.
Hiện cả nước có khoảng 1.500 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề truyền thống. Các mẫu nước thải ở các làng nghề này, kể cả nước mặt lẫn nước ngầm đều ô nhiễm vượt mức cho phép. Hầu hết các cơ sở sản xuất nhỏ của làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị chắp vá và nằm xen lẫn khu dân cư hoặc tập trung thành cụm, không có ranh giới rõ rệt giữa khu sản xuất với khu sinh hoạt.
. Theo TTXVN |