Đây là thông tin được PGS-TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế thông báo tại cuộc họp chiều 14-9, của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm và SARS tổ chức tại Hà Nội.
Về thông tin chim hoang có thể lây truyền virus cúm, đại diện Bộ Y tế cho biết chủng virus H5N1, đã tấn công một vài nước châu Á và các nhà khoa học phát hiện chim hoang có thể mang virus qua một quãng đường dài tới phía Đông châu Âu, châu Á, châu Phi.
Theo khuyến cáo của tổ chức FAO, chim từ Siberi, nơi đã phát hiện virus cúm A H5N1, có thể là vật lây mang virus tới cửa ngõ châu Âu. FAO cũng lo ngại rằng các nước nghèo ở Đông Nam Âu, nơi các loài chim hoang hội nhập với các loài khác ở Bắc châu Âu, là nơi sẽ bị ảnh hưởng do không có đủ khả năng phát hiện sớm để đối phó với dịch cúm. Đường di cư của chim ngang qua Azerbaizan, Iran, Iraq, Ấn, Độ, Bangladesh... cũng được coi là những nơi có nguy cơ cao.
Về tình hình dịch tại Việt Nam, đại diện Bộ Y tế cho biết từ 1-9 tới nay không ghi nhận trường hợp mắc cúm A. Như vậy, từ đầu năm tới nay có 64 trường hợp mắc tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó 21 trường hợp tử vong. Trường hợp mắc gần nhất là ngày 25-7. Hiện tại không có bệnh nhân nào phải điều trị tại các bệnh viện trên cả nước.
Cũng theo Bộ Y tế, kể từ trường hợp mắc cúm A H5N1 đầu tiên đến nay có tổng số 91 trường hợp mắc tại 32 tỉnh, thành phố, trong đó 41 trường hợp tử vong. Ngày 1-9, WHO tại Việt Nam đã có thư chính thức gửi Viện Pasteur TP.HCM khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính cúm A H5N1 của Viện Pasteur TP.HCM đối với 2 bệnh nhân ở Trà Vinh và TP.HCM mà Viện đã gửi trước đó.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cũng cho biết việc triển khai tiêm vắc-xin cho gia cầm đang được tiến hành tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dự kiến Bộ NN&PTNT sẽ tiêm vắc-xin cho khoảng 260 triệu gia cầm trên toàn quốc với tổng kinh phí 750 tỉ đồng. Hiện việc tiêm đại trà đã hoàn thành tại Tiền Giang và Nam Định.
Hiện Việt Nam đã nhập 600.000 viên thuốc tamiflu, loại thuốc phòng chống dịch cúm.
. Theo TPO |