Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: sắp tới, lao động trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cùng hưởng một mức lương tối thiểu.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo chính sách tiền lương tổ chức ngày 22-9, tại Hà Nội.
Trong khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước, 3 năm nay, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng (năm 2003) và ngày 15-9 vừa qua, Chính phủ quyết định tăng lên 350.000 đồng mỗi tháng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ ngày 1-7-1999 đến nay, mức lương tối thiểu không đổi, vẫn khống chế không thấp hơn 487.000 đồng mỗi tháng.
Vụ trưởng Huân cho rằng để gia nhập WTO thì Việt Nam cần xem xét lại chính sách tiền lương. Mục tiêu cụ thể là phải áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt thành phần sở hữu; mở rộng quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống tiền lương, trả công lao động; phát triển mối quan hệ 3 bên trong việc xác định tiền lương, đó là nhà nước, đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng.
Đánh giá về mức lương tối thiểu 350.000 đồng mỗi tháng mới ban hành, ông Huân ghi nhận: "Nó chỉ nhỉnh hơn 20 USD, có lẽ thấp nhất trong khu vực. Thực tế, các nhà làm lương cũng muốn cao hơn, nhưng phải tính đến khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. Hiện cứ tăng 10.000 đồng lương tối thiểu thì ngân sách phải chi thêm 2.200 tỉ đồng".
. Theo VnExpress |