Theo cảnh báo của các nhà địa vật lý quốc tế, nguy cơ xảy ra sóng thần ở bờ biển Việt Nam rất cao. Chính vì vậy Việt Nam cần phải sớm xây dựng một hệ thống cảnh báo sóng thần.
|
Sơ đồ một hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần ở Mỹ. |
Giáo sư Kerry thuộc Trung tâm quan sát kiến tạo - Viện Công nghệ California (Mỹ), cho biết hệ thống định vị toàn cầu từ vệ tinh đã phát hiện đường đứt gãy lớn trong lòng đất - nguyên nhân gây nên trận động đất mạnh 9,2 độ richter và dẫn tới trận sóng thần khủng khiếp ngày 26-12-2004.
Giáo sư Kerry cảnh báo, ở khu vực đứt gãy hiện có một áp lực căng khổng lồ. Sự bùng nổ của áp lực này có thể giải phóng để gây sự đứt gãy mới trong tương lai gần.
Việt Nam và Thái Lan cũng nằm trong vùng chuyển dịch của Đông Dương về phía Đông. Nếu động đất xảy ra, có khả năng gây sóng thần tại ranh giới giữa mảng Philíppin và mảng châu Á. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới vùng bờ biển Việt Nam.
Trong khi đó, PGS. TS Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ mới, Viện Khí tượng Thủy văn cũng nói: "Không thể mất cảnh giác với nguy cơ sóng thần". Việt Nam đã từng ghi nhận những câu chuyện về thảm họa ven bờ biển Việt Nam trong vòng 100 năm qua.
Sau vụ động đất gây ra sóng thần ở miền Ấn Độ Dương ngày 26-12-2004 giết hại trên 200.000 người, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa và thiệt hại về vật chất lên tới hàng chục tỷ đôla Mỹ, chính phủ nhiều nước châu Á rất quan tâm tới việc xây dựng một hệ thống cảnh báo sóng thần.
Tại Hội nghị đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN mở rộng bàn về việc khắc phục hậu quả của thảm họa động đất và sóng thần tại Jacarta (Inđônêxia) đầu năm 2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải cũng đã chủ động đề cập tới việc sớm xây dựng hệ thống cảnh báo thần ở khu vực Ấn Độ Dương.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 6 trạm quan trắc ở ven biển và chưa có hệ thống quan trắc ngoài biển cũng như hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần. Việt Nam cũng chưa tham gia vào mạng lưới cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương.
. Theo TTXVN |