Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trong nước và tăng cường nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng quốc tế trước khi quyết định sản xuất cả một dây chuyền hàng xuất khẩu.
Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt 1,51 tỉ USD, vượt ngưỡng 1,5 tỉ USD do Chính phủ đề ra. Với 25 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong 3-4 năm gần đây, đồ gỗ xuất khẩu luôn nằm trong tốp 7 mặt hàng có doanh số tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cường quốc xuất khẩu đồ gỗ ở châu Á là Trung Quốc, thì đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chỉ giới hạn ở ví trị rất khiêm tốn, với vài thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, EU, Đài Loan...
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu và nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, trong khi các nước cung cấp nguyên liệu chính cho Việt Nam là Inđônêxia, Malaixia đang có chiều hướng hạn chế nguồn này.
Hiện nay, các hợp đồng xuất khẩu đã ký của doanh nghiệp Việt Nam với đối tác đều đi kèm với các mẫu mã thiết kế riêng theo đơn đặt hàng. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của người mua, nhà sản xuất buộc phải đầu tư thêm phân xưởng gia công. Đây là khó khăn rất lớn của ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong nước, tạo nguy cơ cho nhiều doanh nghiệp sao chép kiểu dáng sản phẩm của nước ngoài mà không có sản phẩm thương hiệu Việt Nam.
. Theo TTXVN
|