Qua quá trình thực hiện dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên" từ năm 2001 đến nay, lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã phát hiện 3 bộ sử thi liên hoàn Tây Nguyên hay còn gọi là sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ đồ sộ của các dân tộc M'nông, Ba Na và Xê Đăng.
Mỗi bộ sử thi chứa trên dưới 100 tác phẩm và đây được đánh giá là một trong số những bộ sử thi thuộc loại dài nhất thế giới.
Để thực hiện được dự án trên, hàng trăm lượt cán bộ của Viện nghiên cứu Văn hóa, Viện khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành điều tra, khảo sát hàng ngàn buôn, bon, plây của 530 xã, phường, thị trấn thuộc 56 huyện, thành phố của 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 3 tỉnh vùng phụ cận gồm Bình Phước, Ninh Thuận, Phú Yên.
Các nhà nghiên cứu đã lập được danh sách hàng trăm tên tác phẩm sử thi, gặp gỡ 363 nghệ nhân còn nhớ, hát kể các tác phẩm sử thi thuộc các dân tộc Êđê, Gia Rai, M'nông, Xê Đăng, Ba Na, Xê Tiêng, Mạ, Raglai, Chăm Hroi.
Đáng chú ý, có những nghệ nhân thuộc 5-6 bộ sử thi và có những nghệ nhân hát kể trên 10 sử thi như già làng Điểu Klứt, Điểu Rung (dân tộc M'nông), bà Mấu Thị Giêng (Raglai) thuộc 3 bộ sử thi đồ sộ với 150 giờ hát kể.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành ghi gần 3.300 băng ghi âm (tương đương đương với 4.981 giờ hát kể của các nghệ nhân) thuộc 513 tác phẩm sử thi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khó khăn nhất của những người làm công tác sưu tầm, phố biến văn hóa dân gian ở Tây Nguyên hiện nay là không tìm được người phiên âm, phiên dịch các bộ sử thi này nên khối lượng xuất bản còn ít. Trong khi đó, số nghệ nhân biết hát kể sử thi ngày một già yếu, thậm chí có người đã qua đời.
Năm 2004, ba tác phẩm sử thi đầu tiên của kho tàng sử thi Tây Nguyên được xuất bản gồm hai tác phẩm sử thi của đồng bào dân tộc M'nông, một tác phẩm sử thi của đồng bào Raglai.
. Theo TTXVN
|