"Mỗi ngày ở nước ta có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Nếu nhân với một năm 365 ngày là gần 11 ngàn người chết! Khủng khiếp không khác tai họa của một cơn sóng thần!" - TS-BS Võ Văn Nho, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhấn mạnh.
|
Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy luôn chật cứng các bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.
|
* Là bác sĩ trực tiếp điều trị, phẫu thuật hàng ngàn ca chấn thương sọ não và chứng kiến nhiều cái chết thương tâm vì tai nạn giao thông (TNGT), ông đánh giá thế nào về tình hình TNGT tại VN hiện nay?
- TS-BS VÕ VĂN NHO: Con số thống kê về số ca TNGT ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ và chính xác vì chúng ta chưa có ngân hàng dữ liệu tổng kết về vấn đề này. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm đã cấp cứu hơn 30 ngàn ca bị chấn thương sọ não.
So với những năm vừa qua, tình hình TNGT hiện nay qua ghi nhận tại bệnh viện chúng tôi không hề giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Số ca chấn thương sọ não tử vong bình quân tại bệnh viện những năm gần đây là 1.400 -1.600 ca/năm.
Mặc dù chúng ta không thiếu những qui định, nghị định... xử phạt các vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, nhưng tình hình TNGT vẫn không hề giảm. Có giảm chăng là được vài tháng sau khi nghị định 15/CP-NĐ ra đời đầu năm 2003. Khi mới thực hiện nghị định 15, nhiều tỉnh thành đã giảm được TNGT đáng kể, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Hiện nay, ngành y tế chỉ có thể giải quyết "cái ngọn" là hậu quả của chấn thương sọ não. Dù chúng tôi có làm gì, có cố gắng bao nhiêu cũng không thể giải quyết được "cái gốc" của vấn đề.
* Những hậu quả do TNGT gây ra thế nào, thưa ông?
- Mỗi ngày tại bệnh viện chúng tôi luôn có 80-100 bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng điều trị nội trú, có nguy cơ tử vong rất cao hoặc dù cứu sống được cũng để lại nhiều di chứng nặng nề như sống đời sống thực vật, mất ngôn ngữ, liệt chân tay, động kinh...
Trách nhiệm người đứng đầu ngành giao thông như thế nào?
Theo số liệu được công bố hằng ngày vào mỗi buổi sáng trên đài, trung bình mỗi ngày có 31 người chết, 34 người bị thương. Đây là nỗi đau không riêng của các gia đình mà là tổn thất lớn của xã hội. Vậy mà dân ta cứ đau nỗi đau ấy hằng ngày, trong mỗi bản tin tổng kết tai nạn của ngày hôm trước chỉ thấy thiếu sót và trách nhiệm của dân.
Cho đến nay, Bộ Giao thông - vận tải cũng chưa có giải pháp hữu hiệu nào đẩy lùi chết chóc, thương tật do tai nạn giao thông, khắc phục được nỗi đau ấy. Hay như vụ lật xe lửa ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế năm 2004, hoặc chuyện thi công quốc lộ 1A từ Cần Thơ xuống Bạc Liêu, đào đường mà không có biện pháp cảnh báo, bảo đảm an toàn làm nhiều người chết...
Trong những trường hợp đó, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông, một trách nhiệm cụ thể và đến cùng, là như thế nào?
. Nguyên thủ tướng VÕ VĂN KIỆT |
Thương tổn ở não không chỉ để lại di chứng tàn phế cho bản thân người bị TNGT mà còn để lại nhiều khó khăn cho gia đình họ. Một trường hợp chấn thương sọ não phẫu thuật, biến chứng ở mức độ nhẹ và vừa, nạn nhân phải nằm viện khoảng 10 ngày, chi phí điều trị khoảng 15 triệu đồng.
Với những ca có thương tổn lớn, nặng nề phải nằm viện sáu tháng, thậm chí cả năm với viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Đã có những gia đình tán gia bại sản, khánh kiệt vì người thân bị TNGT. Hơn thế nữa, TNGT còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự phát triển kinh tế của đất nước, của khoa học, làm mai một tài năng của đất nước. Vì đa số người bị chấn thương sọ não có độ tuổi 20-40 tuổi, nhiều người trong số đó là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu khoa học...
* Theo ông, tại sao tình hình TNGT có chiều hướng gia tăng?
- Nguyên nhân có rất nhiều. Cụ thể là người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ rượu trong máu quá mức cho phép; không tuân thủ luật lệ giao thông: chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy ngược chiều, lạng lách...; hệ thống lưu thông chưa an toàn; chất lượng phương tiện giao thông chưa đảm bảo; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường...
Song nguyên nhân chính, theo tôi, là những cơ quan có trách nhiệm giám sát thực hiện, người thực thi nhiệm vụ kiểm soát giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa thấy hết hậu quả và đánh giá đúng mức mức độ nghiêm trọng của TNGT.
Ba năm qua xảy ra dịch cúm do virus H5N1, cả nước có chưa đến 100 người mắc, trong đó có 43 ca tử vong. Chính phủ và nhiều bộ ngành đã đầu tư nhân lực, kinh phí để dập tắt dịch bệnh này. Trong khi đó, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 30 người chết vì TNGT! Nếu nhân với một năm 365 ngày là gần 11 ngàn người chết! Khủng khiếp không khác tai họa của một cơn sóng thần! Thế nhưng chưa mấy ai coi nó là đại dịch.
* Tại sao người có trách nhiệm kiểm soát giao thông lại là nguyên nhân chính?
- Tôi còn nhớ đầu tháng 3-2003, khi Nghị định 15 có hiệu lực, các cơ quan có trách nhiệm trên cả nước đã bước đầu thực thi rất nghiêm túc, nhờ vậy số vụ TNGT, số tử vong và bị thương trong năm 2003 đã giảm rất nhiều so với 2002. Thế nhưng sau đó, nhiều người thực thi nhiệm vụ không còn làm tích cực nữa, hoặc chỉ làm cầm chừng, qua loa đại khái.
Cụ thể là nhiều cảnh sát giao thông thi hành nhiệm vụ kiểm soát giao thông chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tôi đã nhiều lần đứng quan sát các cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ và thấy rằng họ đã bỏ qua, không xử lý, thậm chí không thèm thổi còi nhắc nhở người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông như chạy xe ngược chiều, chạy lấn tuyến, quá tốc độ, đậu hết cả phần đường dành cho người đi bộ qua đường, chở ba bốn người... Bản thân tôi thấy đèn đỏ dừng lại nhưng có người vẫn vượt, nhiều người khác thấy vậy chạy theo, tôi đứng lại thì bị... chửi. Thành ra người có ý thức thực hiện luật giao thông cũng nản, thậm chí trở thành người vi phạm.
* Theo ông, giải pháp nào là quan trọng nhất để giảm TNGT?
- Tôi không ủng hộ kiểu làm việc phát động một tháng, hai tháng an toàn giao thông. Tại sao lại chỉ có một tháng an toàn giao thông? Tại sao không đưa thẳng việc thực hiện nghiêm túc luật giao thông vào đời sống xã hội và thực thi thật nghiêm túc, thường xuyên, liên tục?
Tôi cho rằng để hạn chế thấp nhất tình hình TNGT, các qui định đưa ra phải đi vào cuộc sống một cách thật sự và hiệu quả. Luật pháp cũng cần có những qui định xử lý nghiêm khắc đối với người vi phạm luật giao thông là công chức nhà nước. Một số nước qui định nếu công chức nhà nước vi phạm luật giao thông sẽ bị cơ quan chức năng thông báo về nơi làm việc. Tùy mức độ vi phạm, công chức đó sẽ bị đuổi việc, mất chức hoặc hạ bậc lương...
Đặc biệt, giải pháp mang tính quyết định để kéo giảm TNGT là người kiểm soát giao thông phải làm tốt trách nhiệm của mình hơn nữa bằng việc xử phạt thật nghiêm khắc các lỗi vi phạm giao thông. Đừng ngại người dân bảo mình "ác", vì người kiểm soát giao thông càng nghiêm khắc xử phạt là đã làm công việc hết sức nhân đạo và khoa học, giúp người dân hình thành một thói quen tốt, giúp xã hội phát triển tốt hơn, văn minh, lịch sự hơn.
* Xin cảm ơn ông.
. Theo Tuổi Trẻ |