Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm vừa phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (gọi tắt là 135) giai đoạn 2006-2010. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ do ngân sách nhà nước, địa phương và huy động đóng góp tự nguyện, dự kiến 12.000 tỉ đồng.
Chương trình này nhằm thực hiện 4 mục tiêu. Trong đó, quan trọng nhất là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc, phấn đấu trên 70% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm vào năm 2010.
Kế đó là phát triển cơ sở hạ tầng, trên 80% xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến tất cả thôn bản; 100% xã có đủ trường, lớp học kiên cố; 80% thôn, bản có điện ở cụm dân cư; 100% xã có trạm y tế kiên cố.
Nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc cũng là một mục tiêu quan trọng của chương trình. Theo đó, đến năm 2010, có trên 95% số học sinh tiểu học, 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; trên 95% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được giúp đỡ pháp luật miễn phí. Cán bộ, công chức cấp xã và trưởng thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về quản lý đầu tư.
Chương trình 135 được triển khai tại 2.410 xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi khó khăn. Hằng năm mỗi xã được cấp 500 triệu đồng để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Sau 7 năm thực hiện (bắt đầu từ 1998), có ý kiến cho rằng nên chấm dứt chương trình vì nhiều lý do, trong đó có việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả; phát sinh nhiều sai phạm; việc hỗ trợ kéo dài làm người dân ỷ lại vào nhà nước. Thực tế, đã có 400 xã đủ điều kiện ra khỏi chương trình, nhưng cứ nhận mình là khó khăn để tiếp tục nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao, khẳng định, mặc dù còn một số hạn chế, nhưng đánh giá chung thì chương trình 135 có hiệu quả, tỉ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của đồng bào dân tộc được cải thiện. Đây cũng là lý do để Ủy ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc đề nghị và được Chính phủ phê duyệt thực hiện giai đoạn 2 chương trình 135.
. Theo VnExpress |