Ngày 22-1-2006, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ tiến hành khai quật lần thứ 4 di chỉ xóm Rền (xã Gia Thanh-Phù Ninh) đã phát hiện một ngôi mộ táng và nhiều đồ gốm, đồ đá có giá trị...
Sau khi đào 4 hố khai quật và 4 hố thám sát ở khu vực phía Bắc và phía Tây của di chỉ với tổng diện tích 73,62m2, đoàn khảo cổ đã thu được 416 tiêu bản đồ đá, 39 tiêu bản nguyên và gần như nguyên đồ gốm, hơn 10 vạn mảnh gốm các loại.
Chủ yếu là các loại hình công cụ sản xuất như các loại rìu bôn tứ giác, đục, mài. Đặc biệt đã phát hiện được tiêu bản rìu một vai xuôi đã thấy ở di chỉ Phùng Nguyên. Đồ gốm thu được có số lượng khá lớn, loại hình chủ yếu là các loại nồi, bình, bình dạng thố, bát bồng…
Đặc biệt quan trọng, đoàn khảo cổ đã phát hiện mộ táng trong hố thám sát 1 ở độ sâu 120cm so với bề mặt hố. Di cốt trong mộ còn khá nguyên vẹn. Người chết được chôn nằm thẳng, đầu quay về hướng Đông. Đồ tùy táng chôn theo tìm thấy một chiếc nồi hình giỏ cua, màu nâu xám có dáng miệng loe, cổ cao trung bình để trơn, thân hình cầu với văn thừng đập chéo.
Qua xem xét sơ bộ, các nhà khảo cổ cho rằng đây là di cốt của một phụ nữ cao khoảng 1,5m và trạc 20-30 tuổi, có niên đại khoảng 3.200-3.700 năm, nhiều khả năng là di cốt của người xóm Rền có niên đại muộn.
Kết quả của đợt khai quật này một lần nữa cho thấy vị trí và tầm quan trọng của di chỉ xóm Rền trong việc nghiên cứu giai đoạn kim khí trong lịch sử nước ta, giai đoạn chuẩn bị cho sự hình thành nhà nước của các vua Hùng.
. Theo VNN
|