Thị thực, quốc tịch, nhà ở, cư trú, hồi hương, trí thức kiều bào, chế độ cho người cao tuổi, dạy tiếng Việt cho thiếu nhi là 8 vấn đề nằm trong chương trình hành động của Quốc hội năm 2006.
|
Các thành viên OVClub thẳng thắn góp ý với Quốc hội.
|
Về vấn đề thị thực, sẽ tiến tới những thủ tục nhanh gọn bằng việc lấy xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay, TPHCM đã làm mẫu thí điểm cho việc cấp giấy tờ gốc ngay tại địa phương.
Vấn đề luật quốc tịch Việt Nam đã mềm dẻo hơn. Trước đây, điều 2 Bộ luật Dân sự qui định, người Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam, ai đã ra nước ngoài, đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Nhưng hiện nay, công dân nào đã gia nhập quốc tịch nước ngoài, mà không có đơn xin Chủ tịch nước ra khỏi quốc tịch Việt Nam thì coi như vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam.
Đây là vấn đề mà sắp tới Quốc hội sẽ có điều chỉnh.
Về vấn đề thừa kế nhà ở, trước kia do người nước ngoài và kiều bào không được quyền sở hữu nhà ở, nên việc thừa kế nhà ở do cha mẹ để lại dưới dạng ký quỹ, có nghĩa là nhà đó được qui ra tiền và chuyển vào tài khoản người thừa kế. Hiện nay, đã có luật về nhà ở, luật thừa kế cũng sẽ phải điều chỉnh.
Vấn đề hồi hương, trước kia qui định, người muốn hồi hương phải có người ở trong nước bảo lãnh. Điều này cũng sẽ gây khó khăn cho kiều bào nếu không còn thân nhân trong nước. Vì thế, sắp tới chỉ cần chứng nhận của Đại sứ quán là được.
Vấn đề nhà ở, cư trú không nên căn cứ theo thị thực (3 tháng hay 6 tháng), mà có thể căn cứ vào thẻ cư trú.
Tiếng nói của kiều bào trong Quốc hội rất rộng mở
Trong hai ngày giáp Tết, Ủy ban đối ngoại Quốc hội đã có hai cuộc gặp gỡ với các đại diện kiều bào: một ở TPHCM với khoảng 80 người và một ở Hà Nội với các doanh nghiệp tham gia Hành trình xuyên Việt lần 2.
Qua cuộc trao đổi thân tình với đoàn doanh nghiệp Việt kiều, ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, rất hoan nghênh một số ý kiến đóng góp của một số thành viên trong Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều như thành lập công ty cổ phần, ngân hàng Việt kiều và vấn đề thừa kế nhà vắng chủ. Những vấn đề này sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét và có những điều chỉnh thích hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Mão nhận xét: hai buổi tiếp xúc với qui mô khác nhau nhưng đều rất bổ ích và tựu chung đều nói lên những tâm tư nguyện vọng của kiều bào. Quốc hội sẽ tiếp thu mọi ý kiến và sẽ biến thành chương trình hành động trong năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Trân cho biết, về nguyên tắc khi những luật nào liên quan tới những đối tượng nào thì cần có sự đóng góp ý kiến của chính đối tượng đó.
Chẳng hạn như Nghị quyết 36 của Bộ chính trị đều có ý kiến đóng góp của kiều bào hay luật đầu tư có yếu tố nước ngoài, Quốc hội cũng đã tham vấn ý kiến của Phòng thương mại Australia, Phòng thương mại Mỹ. "Người nước ngoài chúng ta còn tham khảo ý kiến, huống chi, kiều bào là một bộ phận không tách rời của dân tộc", ông Trân phát biểu.
Ông khuyến khích kiều bào thường xuyên vào website của Quốc hội để tham khảo những chính sách mới và cùng trao đổi, bàn bạc, đóng góp ý kiến. Bởi luật đã có, nhưng khi vào thực tiễn đời sống mới nảy sinh vấn đề. Một lần nữa, ông Trân khẳng định: "Tiếng nói của kiều bào ở Ủy ban đối ngoại Quốc hội rất rộng mở."
. Theo Tiền Phong
|