Tờ nhật báo Christian Science Monitor của Mỹ số ra ngày 26-1 đã có bài viết về nền kinh tế Việt Nam. Tờ báo cho rằng năm 2006 sẽ là năm quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam khi khả năng Việt Nam trở thành thành viên WTO ngày càng gần.
|
Dầu khí trở thành ngành kinh tế quan trọng hàng đầu |
Anh Trần Anh Tuấn, một kỹ sư được đào tạo tại Liên Xô sau khi nghỉ việc tại một công ty xây dựng của nhà nước vào những năm 1990 đã quyết định đứng ra thành lập công ty riêng. Anh hùn hạp với 2 người khác thành lập công ty quảng cáo với số vốn vỏn vẹn 7.000 USD. Anh nhớ lại: lúc đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn. Gõ cửa hàng trăm khách hàng, công ty anh đều nhận được câu trả lời như dội gáo nước lạnh "không cần quảng cáo".
Thế rồi các công ty nước ngoài vào Việt Nam, họ cần quảng bá cho sản phẩm của mình. Công ty quảng cáo của anh Tuấn bắt đầu in poster và cho thuê bảng quảng cáo. Bỗng chốc quảng cáo trở nên "nóng", mọi người đều chú ý tới. Anh Tuấn nói: "Thậm chí nếu bạn sắp phá sản, bạn cũng cần quảng cáo để cho thấy là bạn vẫn còn hoạt động, vì đó là nền kinh tế thị trường". Công ty của anh Tuấn hiện nay có vốn hơn 2 triệu USD.
Nhờ chính sách đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tạo được nhiều thành tựu đáng kể: trong vòng một thập niên qua, thu nhập tăng gần gấp đôi, nghèo đói giảm dưới mức 20%. Sau hiệp định thương mại Việt - Mỹ, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,6 tỉ USD năm 2005. Kể từ năm 1989, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và đất nước Guine Xích Đạo giàu dầu mỏ. Năm 2005, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,4%.
Việc gia nhập WTO sẽ đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam và luật pháp chặt chẽ hơn bảo vệ nhà đầu tư. Các cuộc đàm phán Việt - Mỹ tại Hà Nội tuần rồi làm gia tăng khả năng Việt Nam gia nhập WTO sau 10 năm cố gắng.
. Theo SGGP
|