ThS. Lê Thị Xuân Lan - Phó Trưởng Phòng Dự báo và Phục vụ - Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cảnh báo: bão số 7 (Hagibis) có thể tàn phá nhanh và mạnh không kém bão Linda (tháng 11.1997), từng gây tổn thất rất lớn về người (khoảng 3.000 nạn nhân chết và mất tích).
Liên tục mạnh thêm
Ngày 18.11, tại vùng biển phía đông nam đảo Mindanao - Philippines, một áp thấp nhiệt đới hình thành, mạnh lên nhanh chóng. Đến 7h sáng ngày 20.11, đã đi vào biển Đông và trở thành áp thấp nhiệt đới thứ 9 trên biển này.
Sau đó, 1h sáng ngày 21.11, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 7 - bão Hagibis (trong tiếng Phillipines, Hagibis có nghĩa là chim én).
|
Sơ đồ dự báo hướng đi của bão số 7. |
Từ khi hình thành cho đến nay, áp thấp nhiệt đới này mạnh lên liên tục. Sáng 21.11, cơn bão này đang đi qua quần đảo Trường Sa và 7h sáng nay 22.11, bão số 7 vượt qua quần đảo Trường Sa tiến về các tỉnh Nam Trung Bộ cho đến Nam Bộ. Đến 7h sáng ngày 23.11, cơn bão ở khoảng 10,4o vĩ Bắc và 111o kinh Đông, tức là cách bờ biển Phan Thiết 300km về phía Đông - Đông Nam, cách Côn Đảo 300km về phía Đông - Đông Bắc. Vị trí này ngang vĩ độ với Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Bà Rịa khoảng 350km về phía Đông.
Khả năng qua quần đảo Trường Sa, bão số 7 sẽ tiếp tục mạnh lên nhiều nữa. Qua bản đồ theo dõi bão trên biển Đông, đường đi của cơn bão gần như theo một đường thẳng. Nhìn chung, bão sẽ gây ảnh hưởng từ Ninh Thuận - Bình Thuận đến mũi Cà Mau, trong đó có TP.HCM.
"Đây là cơn bão cực kỳ nguy hiểm. Vị trí hiện nay của bão Hagibis tương tự như cơn bão Linda - cơn bão số 5 của năm 1997. Ngày 24.11, bão số 7 có thể đổ bộ vào bờ," ThS. Xuân Lan dự báo.
Bão số 7 được Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo dữ ngang ngửa bão Linda. Đầu tháng 11.1997, bão Linda hình thành tại khu vực Trường Sa, tiến vào Cà Mau sau 48 giờ, rất nhanh và rất mạnh. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ, kể cả Khánh Hòa, cũng bị ảnh hưởng do cơn bão này. Bão Linda gây tổn thất rất lớn về người: khoảng 3.000 người chết và mất tích trong bão.
Cuối năm, bão nối bão
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, mùa mưa bão năm nay khác mọi năm ở chỗ mưa nhiều và bão muộn, dồn dập vào các tháng cuối năm. Đến tháng 7 mới có những cơn áp thấp nhiệt đới mạnh.
Chiều 21.11, huyện Cần Giờ (địa phương đầu tiên hứng bão ở TP.HCM theo dự báo) bắt đầu “tăng nhiệt”, với việc gia cố nhà cửa, chuẩn bị sơ tán 2.340/5.000 dân, đưa các hộ ven sông, biển vào sâu trong bờ, đến các khu nhà kiên cố. |
Liên tiếp trong 5 ngày cuối tháng 11.2007, hai cơn bão cùng vào biển Đông, đều hướng đến vùng biển Việt Nam. Vào ngày 25.11, ngay sau bão số 7 (Hagibis), một cơn bão khác có tên Mitag (trong tiếng Micronesia, Mitag là tên một người phụ nữ) sẽ đổ bộ vào biển Đông với cường độ mạnh hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay bão Mitag còn ở rất xa, nên tất cả mô hình đang dự báo cho thấy bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Khánh Hòa trở xuống mũi Cà Mau.
"Cho đến giờ phút này, tất cả dự báo trong nước và quốc tế, đều cảnh báo, bão Mitag sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Bình Thuận cho đến Cà Mau. Trong đó, trọng điểm ảnh hưởng là từ Bà Rịa Vũng Tàu cho đến mũi Cà Mau. Đó là một điểm rất nguy hiểm", ThS. Xuân Lan cho biết.
So sánh 2 cơn bão Mitag và Hagibis với bão Durian (bão số 9, năm 2006), ThS.Lan cho biết hoàn lưu (ảnh mây) của bão Durian nhỏ hơn hẳn. Trong khi bão Durian càn quét qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, khiến 73 người chết, 31 người mất tích.
Thêm vào đó, phía sau cơn bão Mitag, một cơn bão khác đang lấp ló hình thành.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp phòng chống bão số 7
Ngày 21.11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan khẩn cấp đối phó với bão số 7.
Công điện được gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công Thương, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính. UBND các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau, Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên. Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân.
Nội dung Công điện như sau:
Ngày 21.11.2007, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8, giật trên cấp 8 và còn có khả năng mạnh thêm. Đồng thời hiện nay trên vùng biển Thái Bình Dương, phía Đông Philippin đã xuất hiện một cơn bão mới có khả năng đi vào Biển Đông. Biển động mạnh và các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ, thiên tai để tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả; đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về các biện pháp khẩn cấp đối phó với bão số 7, tình hình diễn biến mưa lũ tiếp theo để giảm thiểu thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra, nhất là thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp cần thiết để nắm chắc ngay số lượng tàu thuyền và ngư dân còn hoạt động trên biển, đặc biệt là tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển nguy hiểm; phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn việc trú, tránh bão an toàn và thực hiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời; kiểm tra chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân, đồng thời phân công lãnh đạo xuống các khu vực xung yếu kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão lũ, bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Đối với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt lũ lụt vừa qua, cần chỉ đạo các biện pháp cần thiết để chủ động phòng tránh lũ tiếp theo của cơn bão số 7. Trước mắt kiểm tra, rà soát lại phương án 4 tại chỗ để chủ động đối phó; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để phòng tránh lũ lụt có hiệu quả.
Các tỉnh Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và các địa phương khác có trách nhiệm theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn để chỉ đạo kịp thời các biện pháp đối phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra. Chủ động di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất đến nơi an toàn.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ đội biên phòng và các tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão hoặc thoát khỏi vùng có ảnh hưởng của bão; chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền đang đánh bắt ven biển và các tàu thuyền đang hoạt động trên sông và chỉ đạo hướng dẫn việc neo đậu cho tàu thuyền trú, tránh bão an toàn; đồng thời kiểm tra, chỉ đạo các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, phòng chống lũ, sạt lở đất và bảo vệ sản xuất.
Bộ Ngoại giao cùng với việc có Công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ giúp đỡ cho ngư dân và tàu thuyền ta vào bờ tránh bão, cần theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để xử lý đảm bảo ngư dân được tránh bão an toàn. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi sát diễn biến của bão số 7 và tình hình mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng phương tiện cùng các địa phương sẵn sàng tham gia ứng cứu các tình huống khẩn cấp do bão số 7 và mưa lũ gây ra.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão số 7, tình hình mưa lũ để có dự báo, cảnh báo kịp thời. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Đài thông tin Duyên hải cập nhật, xử lý thông tin về diễn biến của bão số 7, thông báo và hướng dẫn cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển để có biện pháp chủ động phòng tránh. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp để đối phó với bão số 7 và tình hình diễn biến mưa lũ tiếp theo có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các biện pháp cần thiết.
(Theo TTXVN) |
. Theo VNN |