Từ 1.1.2008 sẽ thực hiện mức lương tối thiểu (LTT) mới. Hiện nay, Bộ LĐTB-XH đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp. Ngày 10.12, trao đổi với báo chí, ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ tiền lương-Tiền công (Bộ LĐTB-XH) cho biết, trên cơ sở Nghị định của Chính phủ về mức LTT mới, những hướng dẫn mới của Bộ LĐTB-XH đã nới rộng quyền lợi của người lao động (NLĐ), đặc biệt là trong cách tính mới về thang, bảng lương.
Mức điều chỉnh lương cụ thể do người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận căn cứ vào mặt bằng tiền công trên thị trường, giá cả sinh hoạt và phải bảo đảm quan hệ hợp lý giữa người mới được tuyển dụng và người có thâm niên làm việc tại doanh nghiệp (DN).
* Về lý thuyết là như thế, tuy nhiên trên thực tế rất khó tránh khỏi việc một số DN sẽ cắt, giảm các chi phí, chế độ khác của NLĐ để “bù” vào phần lương tăng phải trả cho NLĐ?
* Thực tế, hiện nhiều DN đã trả lương cho NLĐ cao hơn mức LTT theo quy định. Việc tăng lương tác động chủ yếu tới tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ. Lộ trình tăng lương này là phù hợp, đã tính đến khả năng chi trả của DN vừa và nhỏ, đặc biệt là trong ngành da giày, dệt may, đường sắt…
Do đó, khi đi vào thực hiện mức LTT mới, chúng tôi đã yêu cầu DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ được pháp luật quy định như tiền lương trả khi làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại. Bộ LĐTB-XH sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện lương mới của các DN.
* Hệ thống thang, bảng lương của các DN hiện có nhiều kẽ hở. Nhiều DN có thang, bảng lương rất nhiều bậc nhưng khoảng cách giữa các bậc lương rất ít, có khi chỉ vài chục ngàn đồng. Đây là điều mà NLĐ lành nghề rất bị thiệt thòi?
* Đây là vấn đề bức xúc lâu nay của NLĐ. Hiện nay Nhà nước đang trao quyền xây dựng thang, bảng lương cho DN. Vì thế, nhiều DN lợi dụng để “băm” nát bậc lương ra. Có bảng lương có tới 40-50 bậc lương. Mỗi bậc lương chỉ chênh nhau có 10.000-15.000 đồng thì khó lòng mà khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ LĐTB-XH đã ban hành thông tư 28/2007/TT-BLĐTBXH quy định rõ rằng, các DN phải bảo đảm chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%. Việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương cũng sẽ được “siết” chặt hơn. Các DN phải đăng ký hệ thống thang, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước trước khi công bố áp dụng trong DN.
Đối với DN mới thành lập, sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, DN phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang, bảng lương; đối với DN đang hoạt động đã có thang lương, bảng lương trong thời hạn 3 tháng, tính từ 1-1-2008, DN phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang lương, bảng lương mới. Tôi cho rằng với các quy định chặt chẽ như thế này sẽ không còn tình trạng các DN tự ý xây dựng hệ thống thang bảng lương theo kiểu “băm nát”, gây thiệt thòi cho NLĐ như hiện nay.
* Theo ông, điều căn bản nào để bảo đảm quyền lợi của NLĐ mỗi kỳ tăng lương?
* Theo tôi đó chính là vấn đề thỏa ước lao động tập thể. Xu hướng chung của thế giới là đi vào thỏa ước lao động ngành, tạo ra một cái “khung” chung cho ngành đó. Từ 2008, Bộ LĐTB-XH sẽ tập trung vào nội dung xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Nếu làm tốt được thỏa ước thì sẽ đảm bảo được quyền lợi cho NLĐ, không chỉ đối với mỗi lần tăng lương, mà còn tránh những mâu thuẫn hay đình công không cần thiết.
. Theo SGGP
Thông tư số 28 của Bộ LĐ-TBXH vừa ban hành về thực hiện tiền lương nói rõ, việc xây dựng thang lương, bảng lương phải đáp ứng tiêu chuẩn khoảng cách giữa các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%.
Bộ LĐ-TBXH cũng quy định, mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với NLĐ làm nghề, công việc đòi hỏi quá trình học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT vùng do Chính phủ quy định. Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường. | |