Trong hai tuần qua, không chỉ các ngân hàng (NH) có quy mô trung bình như ABBank, SeABank, VPBank, Habubank.. mà cả những “ông lớn” như ACB, Sacombank... cũng lao vào cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm VNĐ.
Hầu hết các NH đều lấy lý do chính là cần vốn để phục vụ nhu cầu vay vốn mua sắm, tiêu dùng trong dịp cuối năm, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó chỉ là nguyên nhân phụ...
Theo Phó Tổng Giám đốc một NH lớn thì “thông thường một NH tăng sẽ kéo theo nhiều NH khác, chúng tôi buộc phải chạy theo vì nếu không khách hàng sẽ bỏ sang NH khác”.
Ông này cũng lo ngại lạm phát cao đang làm nhiều khách hàng cảm thấy thiệt thòi khi gửi tiết kiệm và NH muốn bù đắp một phần vì muốn giữ khách.
Bên cạnh đó, một số NH cũng đang “vớt vát” khá nhiều khách hàng thường đáo hạn vào dịp cuối năm mà họ đang so sánh lãi suất giữa các NH với nhau để “chọn mặt gửi tiền”.
Chị Đặng Thị Dịu Hương (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) vừa rút 200 triệu từ một NH khác sang gửi ACB vì “lãi suất cao hơn chẳng đáng bao nhiêu, dự thưởng chưa chắc trúng nhưng có còn hơn không”.
Tổng giám đốc một NH ở Hà Nội cho biết: “Các doanh nghiệp đang chuẩn bị hàng hóa cho Tết, nhiều dự án của doanh nghiệp đang chờ vốn NH giải ngân, kiều hối về nhiều dịp này chảy mạnh và người nhận thường bán ngoại tệ cho NH để lấy tiền đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân tăng rất mạnh. Những lý do trên buộc NH phải tăng lãi suất”.
Không chỉ tăng lãi suất, nhiều NH còn khuyến mãi, tặng quà, tặng giải thưởng... dưới nhiều hình thức để thu hút vốn từ tặng nón bảo hiểm cho đến xổ số trúng xe hơi.
Không phải là chuyện nhỏ!
TS Kinh tế Nguyễn Quang Hưng cảnh báo: “Trong tình hình Ngân hàng Nhà nước kiềm chế lạm phát bằng biện pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế cho vay chứng khoán và kiềm chế tốc độ tăng dư nợ thì cuộc đua tăng lãi suất của các NH có thể lợi bất cập hại”.
Còn giám đốc tín dụng một NH thừa nhận, hiện nay, đầu ra cho nhiều NH đang gặp khó khăn. Sau một thời gian ồ ạt và “rộng tay” cho vay tín dụng cá nhân, nhiều NH đã siết lại và khách hàng cũng nhận ra lãi suất không hấp dẫn nên cũng ít dần.
Việc đổ vốn vào các dự án bất động sản và cho vay mua nhà đất cũng giảm hẳn do tình hình giao dịch địa ốc gần đây chựng lại. Việc các NH cho vay quá nhiều khoản trung, dài hạn bằng vốn ngắn hạn cũng đang buộc không ít NH tìm vốn để cân đối lại.
Bên cạnh đó, còn nhiều NH cần tăng tổng dư nợ nhằm điều chỉnh tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán xuống mức 3% trước 31.12.2007 trước khuyến cáo ngày càng nghiêm khắc của Ngân hàng Nhà nước.
Không ít NH biết rằng, tăng lãi suất trong thời điểm này rất dễ “gậy ông đập lưng ông” nhưng “không còn con đường nào khác nếu không muốn bị rơi lại sau trong cuộc cạnh tranh”.
Khách hàng mừng, NH lo ít còn các doanh nghiệp lại đang nơm nớp lo nhiều vì lãi suất cho vay không sớm thì muộn sẽ phải tăng. Ông Đặng Minh Châu, Giám đốc Cty Châu Tín chuyên nhập khẩu thiết bị máy móc lo lắng: “Giá cả tăng, chúng tôi đang cố cầm cự không tăng giá bán để bán được hàng nhưng mới đây NH thông báo sẽ điều chỉnh lãi suất tăng từ 15.12, tính ra hàng tháng tốn thêm 200 - 300 triệu lãi nữa”.
Những con số lợi nhuận hàng trăm tỷ của ACB, Sacombank, Đông Á, Techcombank, Phương Đông... và nhất là đợt IPO sắp tới của VCB dễ làm khách hàng và cổ đông của các NH quên đi “chuyện nhỏ lãi suất”. Nhưng có lẽ họ sẽ phải đặt dấu hỏi về “phát triển bền vững” của nhiều NH khi đầu vào ngày càng lớn mà đầu ra đang gặp không ít khó khăn.
Ít nhất thì lợi nhuận của NH, cổ đông sẽ giảm đi do tăng lãi suất cho vay chưa theo kịp lãi suất tiết kiệm. Nhiều NH khẳng định, họ vẫn giữ mức độ an toàn cho những khoản vay bất động sản, tiêu dùng. Tuy nhiên, bài học của hệ thống tín dụng Mỹ đang lao đao vì cho vay mua nhà trả góp cho thấy, NH Việt Nam khó “miễn nhiễm” nếu có tác động dây chuyền.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số NH thay vì tăng lãi suất đã đẩy mạnh hơn những dịch vụ gia tăng để thu hút khách hàng vì họ cho rằng “cuộc đua này phải có điểm dừng và đi quá đà các NH sẽ tự hại nhau”.
. Theo TPO |