Singapore chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam
9:39', 12/12/ 2007 (GMT+7)

VSIP - mô hình KCN tiêu biểu cho Việt Nam phát triển.

Singapore đã từng trải qua giai đoạn phát triển nhanh và phải giải quyết rất nhiều vấn đề. "Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình với Việt Nam", nguyên Thủ tướng và hiện là Bộ trưởng cao cấp Chính phủ Singapore Goh Chok Tong cho biết như trên trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số

Cách đây 4 năm, ông Goh Chok Tong đã đến Hà Nội và giờ quay trở lại, ông đã chứng kiến và cảm nhận một tốc độ phát triển mạnh mẽ của Hà Nội và Việt Nam.

"Tôi thật ngạc nhiên với nhiều thay đổi và phát triển của Hà Nội chỉ trong 4 năm ngắn ngủi. Tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự chuyển động của thành phố cũng như sự lạc quan của người dân nơi đây", ông nói.

Theo ông Goh Chok Tong, hiện nay, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Và ông tin rằng trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ luôn đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm cao hơn mức 7% trong vòng 10 năm qua và có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã chính thức trở thành một phần của nền kinh tế toàn cầu. Đó chính là sự thu hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Việt Nam đã thu hút được đầu tư từ nhiều nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Đây là một điểm tốt cho tương lai của Việt Nam, ông Goh Chok Tong nhận định.

Còn nhiều vấn đề phải đối đầu

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đó cũng sẽ mang tới nhiều thách thức và có khá nhiều nhiệm vụ mà Việt Nam sẽ phải đối đầu.

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm theo ông Goh Chok Tong là, toàn cầu hóa đồng nghĩa với sự cạnh tranh mang tính quốc tế cho người nông dân, buộc họ đối mặt với sự thay đổi giá cả trên thế giới. Những ngành nghề truyền thống đang dần dần được thay thế và người dân sẽ tập trung hơn về phía khu vực thành thị, dẫn đến sự quá tải và căng thẳng trong các khu vực công cộng. 

Điều này đặt Chính phủ trước yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như nhà cửa, trường học, bệnh viện, điện, nước và hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, phải đảm bảo cân bằng cung cầu giữa dân số thành thị và nông thôn, cũng như sự cân bằng tăng trưởng giữa miền Nam và miền Bắc.

Theo Goh Chok Tong, Singapore cũng đã từng trải qua một giai đoạn công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh tương tự và đã phải tìm ra cho mình những giải pháp mới và tức thời để giải quyết các vấn đề tương tự. Ông cho biết, Singapore rất vui mừng khi được chia sẻ những kinh nghiệm của mình với Việt Nam. Singapore luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển đô thị thông qua hàng loạt các chương trình hợp tác giữa hai bên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện thế kỷ 21” và ký “Hiệp định khung về kết nối Việt Nam - Singapore”. Các kết quả này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Một trong những mô hình thành công của hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore (VSIP) là xây dựng các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Sau thành công của 2 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Bình Dương, ngày 11.12, KCN Singapore - Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc đã được khởi công tại Bắc Ninh. VSIP Bắc Ninh không chỉ là khu công nghiệp theo tiêu chuẩn và mô hình mẫu của Singapore mà còn kết hợp cả khu đô thị đáp ứng nhu cầu đang tăng lên về nhà ở có chất lượng tốt và cơ sở hạ tầng đô thị tốt tại Việt Nam.

Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và ông Goh Chok Tong đều tin rằng VSIP Bắc Ninh chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa và phát triển của Việt Nam, tiếp tục phát triển mô hình các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore thành thương hiệu nổi tiếng và trở thành biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hãng hàng không thứ 3 của Mỹ đặt chân vào thị trường Việt Nam  (12/12/2007)
Có tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính?  (12/12/2007)
Khai mạc Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 6  (12/12/2007)
Bãi bỏ quy định bất cập về BHYT tự nguyện  (11/12/2007)
Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất  (11/12/2007)
Công ty Malaysia sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào bất động sản VN  (11/12/2007)
Động thổ khu công nghiệp 2 tỷ USD tại Bắc Ninh  (11/12/2007)
Việt Nam chưa dịch chuyển được cơ cấu lao động  (11/12/2007)
Người lao động sẽ được hưởng lương đúng với trình độ chuyên môn  (11/12/2007)
Từ ngày 17 đến 21.12.2007: Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ IX  (11/12/2007)
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân  (11/12/2007)
Năm 2008: Việt Nam dự kiến khai thác 1,85 triệu tấn cá biển  (10/12/2007)
Oman sẽ xây nhà máy lọc dầu ở Việt Nam  (10/12/2007)
Lúng túng việc gửi và trông mũ bảo hiểm  (10/12/2007)
Không có ngoại lệ khi xử lý những người không đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy   (10/12/2007)