20% mũ bảo hiểm không đạt chất lượng
15:16', 13/12/ 2007 (GMT+7)

Sáng 12.12, ông Trần Quốc Tuấn, Cục phó Cục Quản lý chất lượng hàng hóa Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, trên thị trường hiện có tới 20% số mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Nếu chứng minh được nguyên nhân tai nạn do mũ bảo hiểm gây ra, người tiêu dùng có thể "kiện" nhà sản xuất.

Ông Tuấn cho biết, những sản phẩm không đạt chất lượng chủ yếu nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu không qua kiểm tra chất lượng. Những sản phẩm này không có tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, không gắn dấu CS hoặc dấu kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu.

Hiện, cả nước có 114 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm công bố tiêu chuẩn tại các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Gần 40 cơ sở nhập khẩu mũ bảo hiểm thực hiện kiểm tra các lô hàng tại các Trung tâm kỹ thuật thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Theo ông Tuấn, việc công bố những mũ không đạt chuẩn rất khó vì trong quá trình sản xuất có lô hàng đạt yêu cầu, có lô không. Tuy nhiên, Cục cũng đã cho công bố 9 lô mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đầu tiên.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, gần thời điểm 15.12, nhiều người có tâm lý mua tạm chiếc mũ rẻ tiền, không rõ nguồn gốc trên hè phố. Việc này rất nguy hiểm đến sức khỏe.

"Khi mua mũ, người tiêu dùng cần xem kỹ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và phải lấy hóa đơn. Trong trường hợp bị tai nạn, nếu có đủ chứng cứ là tai nạn do mũ không đảm bảo chất lượng, nhà sản xuất mũ đó phải chịu trách nhiệm. Còn chuyện làm thế nào để đòi được tiền bồi thường thì không hề đơn giản", ông Phan nói.

Theo ông Phan, người tiêu dùng có thể đến Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để được giúp đỡ khiếu nại. Hiện nay Hội chưa nhận được trường hợp nào khiếu kiện về chất lượng mũ bảo hiểm.

Bác sĩ Lý Ngọc Liên, Chủ nhiệm khoa phẫu thuật thần kinh bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20 ca chấn thương sọ não. So với những tháng giữa năm, con số này không hề giảm. Đáng chú ý một số người đội mũ bảo hiểm vẫn bị chấn thương.

"Việc đội mũ chỉ giúp hạn chế mức độ chấn thương sọ não chứ không có tác dụng phòng ngừa tai nạn", bác sĩ Liên nói.

. Theo VnExpress

 

Lúng túng việc định tuổi trẻ em đội MBH

Trẻ em tham gia giao thông rất đông nhưng dường như đang bị bỏ quên trong chiến dịch toàn dân đội mũ bảo hiểm (MBH). Vấn đề này được đưa ra tại cuộc tọa đàm “MBH trước giờ G”, tổ chức ngày 12.12, tại Hà Nội. 

Trẻ bé quá thì... khỏi phạt!

Tọa đàm sôi nổi khi nêu vấn đề: Mấy tuổi thì phải đội MBH? Nhưng đại diện của cả các cơ quan tham dự đều không trả lời được vì cho đến thời điểm này chưa có công trình nghiên cứu chính thức về độ tuổi phải đội MBH. Quy định mới cũng chỉ nêu chung chung là trẻ em dưới 16 tuổi, chứ không quy định rõ độ tuổi đội MBH.

Theo quy định mới, người ngồi trên mô tô, xe máy từ ngày 15.12 bắt buộc phải đội MBH, vậy đối tượng là trẻ em dưới 3 tuổi khi ngồi trên mô tô, xe máy mà không đội MBH thì có bị xử phạt không?

Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: Bộ Khoa học-Công nghệ đã ban hành tiêu chuẩn riêng về chất lượng MBH cho trẻ em. Tuy nhiên, nếu trẻ quá bé thì cũng phải linh hoạt chứ không xử phạt máy móc.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, cho rằng cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc về MBH cho trẻ, tính đến lứa tuổi nào thì đội loại mũ nào. “Đặc biệt, cần có giải pháp để bảo đảm an toàn cho trẻ em dưới 3 tuổi khi tham gia giao thông, tránh tình trạng xảy ra tai nạn giao thông thì đổ lỗi do không đội MBH, nhưng khi đội MBH thì lại có thể còn bị nặng hơn” - ông Phan nhấn mạnh.

Hàng hiếm

MBH dành cho trẻ em thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Tại các “phố MBH” như Bà Triệu, Cầu Giấy, Phố Huế, Nguyễn Văn Cừ..., MBH dành cho trẻ em cũng khá hẻo. Nhiều cửa hàng thậm chí không bày bán.

Các hãng MBH dành cho trẻ em do VN sản xuất bày bán phổ biến trên thị trường có giá từ 80.000 đến 190.000 đồng/cái nhưng thường không ghi cỡ nên người tiêu dùng rất khó lựa chọn.

Một số hãng trong nước như Amoro, Osakar đã tính đến loại mũ cho trẻ em nhưng mới chỉ lên kế hoạch. Còn MBH trẻ em do Trung Quốc sản xuất có kiểu dáng và màu sắc bắt mắt hơn, giá cũng “mềm” hơn, từ 80.000- 120.000 đồng/cái. Thậm chí, một số cửa hàng còn hét giá hơn 200.000 đồng/cái vì cho đó là “hàng hiếm”. Không chỉ các cơ quan quản lý, những bậc phụ huynh cũng đang thật sự lúng túng, trong khi thời điểm bắt buộc đội MBH đã cận kề.

. Theo NLĐ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tập trung xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế  (13/12/2007)
Mỗi trường THPT phải có phòng máy tính 25 máy  (12/12/2007)
Chính thức động thổ công viên Yên Sở, lớn nhất châu Á  (12/12/2007)
Cúm gia cầm xuất hiện tại Bắc Giang  (12/12/2007)
Thủ tướng: Sớm hoàn thành đề án hộ chiếu điện tử  (12/12/2007)
Singapore chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam  (12/12/2007)
Hãng hàng không thứ 3 của Mỹ đặt chân vào thị trường Việt Nam  (12/12/2007)
Có tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng tài chính?  (12/12/2007)
Khai mạc Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 6  (12/12/2007)
Bãi bỏ quy định bất cập về BHYT tự nguyện  (11/12/2007)
Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất  (11/12/2007)
Công ty Malaysia sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào bất động sản VN  (11/12/2007)
Động thổ khu công nghiệp 2 tỷ USD tại Bắc Ninh  (11/12/2007)
Việt Nam chưa dịch chuyển được cơ cấu lao động  (11/12/2007)
Người lao động sẽ được hưởng lương đúng với trình độ chuyên môn  (11/12/2007)