|
Vận chuyển phân NPK tại Cty Phân lân nung chảy Văn Điển. |
Theo Thông báo số 9642 ngày 26.11.2007 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ tháng 1.2008, giá bán than cục cho sản xuất phân bón sẽ được điều chỉnh tăng 75,7% và giá bán than cám tăng 46,4%.
Với việc tăng giá đột ngột này, các hộ nông dân sẽ phải hứng chịu “cú sốc” về biến động giá phân bón, nhất là phân chứa lân trong vụ Đông - Xuân 2008 do các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón buộc phải tăng giá để khỏi bị lỗ...
Theo TCty Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), hiện VINACHEM cần khoảng 340.000 tấn than cục và 300.000 tấn than cám 4b/năm để sản xuất phân bón. Với giá mua than cục là 737.000đ/tấn và than cám là 379.000đ/tấn của TKV như hiện nay, VINACHEM đã đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu phân lân chế biến, 70% phân hỗn hợp NPK và 8% phân đạm cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước. Trong sản xuất phân đạm, giá than chiếm tới 60% giá thành và trong sản xuất phân lân nung chảy, giá than chiếm 26% giá thành. Nếu tăng giá than cho sản xuất phân đạm lên 46,4% từ tháng 1-2008 như đề nghị của TKV thì chi phí sản xuất phân đạm trong năm 2008 tới sẽ tăng 27% (tương đương 68 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phân lân nung chảy sẽ tăng thêm 17% (tương đương 67 tỷ đồng).
Trên thực tế, việc tăng giá than cho sản xuất đạm sẽ khiến các DN sản xuất bị giảm lãi nhưng vẫn có thể tính toán để bảo đảm lợi nhuận do giá đạm hiện nay được quyết định bởi giá nhập khẩu và theo sự điều chỉnh của giá dầu thế giới. Trong khi đó, với mức tăng này, các DN sản xuất lân nung chảy thực sự khốn đốn. Năm 2008, Cty Phân lân nung chảy Văn Điển đăng ký mức lãi trước thuế là 22 tỷ đồng và Cty Phân bón Ninh Bình đăng ký lãi là 15 tỷ đồng. Như vậy, với việc chi phí sản xuất phân chứa lân tăng tới 67 tỷ đồng, các DN này cầm chắc “lỗ” nếu không tăng giá bán phân bón.
Được biết, nhu cầu phân chứa lân cho vụ Đông - Xuân 2008 sẽ là 247.000 tấn/tháng. Trong điều kiện hiện nay, VINACHEM sẽ hoàn toàn đáp ứng được về mặt số lượng. Tuy nhiên, giá phân chứa lân dự kiến sẽ phải tăng 150.000-160.000đ/tấn, tương đương với 12% so với giá bán hiện nay để bảo đảm duy trì sản xuất. Thời điểm tăng sẽ là vụ Đông - Xuân 2008 theo lộ trình tăng của than. Đối với DN, vấn đề lợi nhuận là sống còn. Do vậy, việc tăng giá bán than tối thiểu lên trên 46% đối với một ngành sản xuất độc quyền như TKV là việc làm rất dễ dàng. Với VINACHEM, khi chi phí “đầu vào” tăng, hoàn toàn có thể tăng giá bán sản phẩm để bảo đảm duy trì hoạt động của DN và lương công nhân. Tuy nhiên, với một đất nước mà nông nghiệp vẫn chiếm tới 70%, đối tượng mua phân bón lại là các hộ nông dân đang gặp nhiều khó khăn do phải chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh thì việc đột ngột tăng giá phân bón là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, hiệu ứng tăng giá phân bón này sẽ chồng chất thêm gánh nặng cho người nông dân, nhất là khi Việt Nam là thành viên của WTO phải cam kết bãi bỏ các trợ cấp nông nghiệp.
. Theo HNM |