|
Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang. |
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Trương Tấn Sang đã có cuộc trả lời báo giới về kết quả cuộc vận động này sau khi triển khai được gần một năm.
Xin ông cho biết những kết quả và kinh nghiệm ban đầu qua gần một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ?
- Qua tổng hợp tình hình triển khai ở các Đảng bộ và kết quả kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động ở các địa phương do Ban Chỉ đạo Trung ương tiến hành cho thấy: Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tấm quan trọng của Cuộc vận động; đánh giá việc Trung ương phát động Cuộc vận động này là đúng và trúng, đáp ứng tình cảm và lòng mong đợi của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhìn chung là nghiêm túc. Nhiều ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai Cuộc vận động phù hợp với điều kiện cụ thể, gắn với thực Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương…
Qua gần một năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, những kinh nghiệm bước đầu rút ra, đó là: Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao và tạo sự thống nhất về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay. Ban Chỉ đạo các cấp cần tiếp tục quán triệt; xác định rõ đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, đồng thời có ý nghĩa thiết thực cấp bách trước mắt nhằm rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phấn đấu cho mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Trong quá trình triển khai Cuộc vận động, cần lấy khâu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm mục tiêu để tạo nên một phong trào rèn luyện, xây dựng đạo đức rộng khắp, với những việc làm thiết thực, thường xuyên.
Thứ hai là, nêu cao vai trò gương mẫu thực hiện của người đứng đầu và tập thể cấp ủy, người chủ trì các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự thông suốt về nhận thức tư tưởng và sự tự giác, gương mẫu của các cán bộ chủ trì, chủ chốt, của cán bộ, đảng viên là yếu tố bên trong, có tính quyết định nhất để tạo ra phong trào rộng khắp và đảm bảo sự thành công của Cuộc vận động.
Thứ ba là, coi trọng và phát huy tính tích cực, ý thức tự giác của mọi người mà trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên trong Cuộc vận động lớn và coi đó là trách nhiệm của mỗi người; học tập, rèn luyện đạo đức trước hết là cho mình, gia đình mình, từ đó cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời cần làm cho mọi người đều hiểu tấm gương đạo đức của Người là vĩ đại, cao cả nhưng lại rất bình dị, cụ thể, ai cũng có thể học tập, noi theo.
Thứ tư là, gắn việc tiến hành Cuộc vận động với việc thực hiện các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, làm cho Cuộc vận động lớn và quan trọng này trở thành bộ phận hữu cơ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa nền tảng tinh thần của xã hội; công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương và trong xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, theo ông thời gian tới các cấp ủy Đảng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp của các địa phương, đơn vị trong cả nước cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào ?
- Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một chủ trương lớn, vừa mang tình cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động để làm cho mọi cán bộ, đảng viên, công chức và toàn thể nhân dân nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo đúng tỉnh thần Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị. Từ đó, ai cũng thấy sự cần thiết phải rèn luyện, tu dưỡng bản thân mình và đề cao trách nhiệm chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị, gia đình mình theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Ban Chỉ đạo các cấp cần sáng tạo những hình thức tuyên truyền vừa có sức thuyết phục, lay động lòng người, vừa gắn với đời sống thực tiễn; tránh tuyên truyền một chiều chỉ nêu tấm gương đạo đức của Bác mà không nêu được những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trước hết cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác học tập và làm theo tấm gương của Bác, từ đó lôi cuốn quần chúng học tập, noi theo. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động tuổi trẻ tham gia học tập và làm theo Bác Hồ với những nội dung, chương trình phù hợp (trong đó chú ý tuổi trẻ đang học tập và công tác ở các nhà trường, tuổi trẻ đang lao động ở các khu công nghiệp, khu vực nông thôn).
Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tấm gương của Bác Hồ phải có chuẩn mực chung và chuẩn mực riêng đối với từng ngành, lĩnh vực cũng như đối với từng người trên từng cương vị công tác cụ thể khác nhau và đều được xây dựng, thực hiện từ cơ sở sau khi đã thảo luận một cách dân chủ trong từng địa phương, đơn vị. Khi xây dựng chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ lãnh đạo phải có yêu cầu cao hơn so với cán bộ, viên chức trong cùng cơ quan, đơn vị trên tinh thần: Cán bộ lãnh đạo càng cao càng gương mẫu, phải đi đầu như Bác Hồ đã dạy: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", trên trước, dưới sau, trong Đảng trước, ngoài quần chúng sau.
Học tập tấm gương đạo đức của Bác không khó, nhưng làm theo tấm gương đạo đức của Bác mới khó, đòi hỏi phải tu dưỡng và rèn luyện suốt đời. Do vậy đòi hỏi tính tự giác của mỗi người. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Có học giả nước ngoài, từ năm 1923, đã viết Người là hiện thân của nền văn hóa tương lai. Chúng ta quyết tâm phấn đấu để việc học tập và làm theo Bác phải trở thành chuẩn mực văn hóa của Đảng, nhân dân ta.
Chúng ta cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức; tránh làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ. Từ ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, phải tiến hành xem xét, sửa chữa ngay những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, làm cho quần chúng ngày càng tin tưởng hơn vào Cuộc vận động quan trọng này.
. Theo TTXVN |