Giá tăng cao nhưng không gây đảo lộn nền kinh tế
11:1', 18/12/ 2007 (GMT+7)

Nhận định về tình hình giá cả năm 2007, nhiều nhà quản lý và chuyên gia kinh tế cùng chung ý kiến cho rằng đây là năm có mức tăng giá cao nhất trong những năm gần đây, tác động bất lợi đến phát triển kinh tế-xã hội nói chung nhưng không gây đảo lộn nền kinh tế.

Theo tính toán của tổ Điều hành Thị trường Trong nước, sau mức tăng kỷ lục của tháng 11 là 1,23% so với tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 có thể tăng thêm khoảng 1,5% và là tháng có mức tăng cao nhất trong năm. Bởi vậy, dự báo mức tăng giá tiêu dùng cả năm 2007 sẽ tăng 10,95%.

Một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đột biến như vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, độ mở lớn của nền kinh tế với tỷ lệ nhập khẩu khá lớn trong GDP, nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên – nhiên liệu nhập khẩu khiến giá hàng hóa dịch vụ trong nước bị chi phối khá lớn bởi mặt bằng giá thế giới.

Bên cạnh đó, xét về vĩ mô, theo quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường, nhất là khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết thành viên WTO một năm qua, Chính phủ đã nới lỏng kiểm soát giá đối với nhiều mặt hàng. Đáng kể nhất là xăng dầu đã tự điều chỉnh theo thị trường và đây được coi là tác nhân quan trọng gây phản ứng tăng giá dây chuyền đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Ngoài ra, cũng phải kể đến những nguyên nhân khác như thiên tai, dịch bệnh đã làm suy giảm nguồn cung, đẩy giá trong nước tăng cao. Có thể thấy rõ điều này qua thực tế nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ có mức tăng giá mạnh nhất trong 10 nhóm hàng tính chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.

Mặc dù nhiều giải pháp khá đồng bộ để kiểm soát tốc độ tăng giá đã được triển khai ngay sau quý 1,  nhưng trong một cuộc họp báo mới đây để công bố phương pháp mới để tính chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Tá cũng thừa nhận sự yếu kém của Bộ Tài chính trong việc dự báo, tính toán biến động giá thế giới đối với thị trường trong nước, dẫn tới không có những giải pháp đón trước trong quá trình điều hành mà chỉ có thể đưa ra những biện pháp tình thế.

Về tác động của việc tăng giá này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, đời sống của người dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương và người nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi, tuy nhiên “nếu chỉ riêng vấn đề giá thì sẽ không thể gây đảo lộn nền kinh tế”.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng mức độ tăng chỉ số giá của Việt Nam chưa nguy hiểm đến nền kinh tế. Đại diện các tổ chức ngân hàng, tài chính lớn tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tương đối vững chắc, đạt tốc độ tăng trưởng GDP ước khoảng 8,5% trong năm nay.

Bên cạnh đó, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ajay Chhibber cũng khuyến cáo, trong thời gian ngắn và trung hạn, chính phủ nên tiếp tục giảm can thiệp vào một khu vực kinh tế, để nền kinh tế tự điều chỉnh hiệu quả hơn trước lạm phát. “Việc gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam giảm sức ép lạm phát thông qua nhập khẩu với giá rẻ”, ông Ajay Chhibber nói khi trao đổi với phóng viên TTXVN xung quanh  những tác động của việc gia nhập WTO đối với nền kinh tế.

Về phía Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: "Chúng ta đi theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận ảnh hưởng giá cả của thị trường thế giới”. Thủ tướng cũng cho rằng khi tính toán tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế đã loại trừ yếu tố tăng giá nên giá tăng cao không làm mất ý nghĩa tăng trưởng.

Cùng ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cũng cho biết, mặc dù giá tăng cao nhưng thu nhập bình quân đầu người năm nay vẫn tăng 5,8%.

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan vẫn được yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, đảm bảo ổn định thị trường trong dịp cuối năm. Thủ tướng khẳng định, các chính sách của Chính phủ về việc điều hành giá vẫn phải theo đúng quy luật kinh tế thị trường và cam kết hội nhập nhưng không tạo khe hở đầu cơ và tăng giá ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó, để hạn chế những tác động bất lợi của lạm phát đến đời sống người lao động và người nghèo, Chính phủ cũng cam kết không để xảy ra biến động lớn đối với những mặt hàng thiết yếu nhất liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Những chính sách quan tâm đến những đối tượng này sẽ được tăng cường theo hướng đầu tư trực tiếp thay vì trợ giá qua doanh nghiệp.

. Theo TTXVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Báo chí nước ngoài đưa tin về đội mũ bảo hiểm ở VN  (18/12/2007)
Cần có biện pháp củng cố, phát triển kinh tế tập thể  (18/12/2007)
Thí điểm chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam  (18/12/2007)
Trung ương phát động Cuộc vận động này là đúng và trúng  (18/12/2007)
Việc làm bền vững trong bối cảnh tăng trưởng và hội nhập  (17/12/2007)
“Cú sốc” tăng giá phân bón  (17/12/2007)
Thí điểm chất vấn trực tiếp tại phiên họp UBTVQH  (17/12/2007)
Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh  (17/12/2007)
Ngày thứ 2 bắt buộc đội nón bảo hiểm tại TPHCM: Có dấu hiệu đội NBH để đối phó  (17/12/2007)
Giá vật liệu tăng cao, các công trình xây dựng lao đao  (17/12/2007)
Tìm thấy thi thể 3 nạn nhân đầu tiên trong vụ sập núi  (17/12/2007)
Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ IX họp phiên trù bị  (17/12/2007)
Bãi bỏ thêm nhiều thủ tục thành lập DN   (16/12/2007)
Bàng hoàng thủy điện Bản Vẽ   (16/12/2007)
Ngày đầu đặt chỗ tàu Tết qua mạng: Hết sạch vé   (16/12/2007)