|
Vận hành máy tại Xí nghiệp 61, Binh chủng Hóa học. Ảnh: Quân đội nhân dân |
Tại ngày làm việc thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, với nội dung chính là đưa các cơ sở công nghiệp quốc phòng ra khỏi biên chế của quân đội.
Trước mắt, cổ phần hóa doanh nghiệp may mặc, xây dựng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, khảo sát thực tế của Ủy ban cho thấy tổ chức và hoạt động công nghiệp quốc phòng hiện "mang tính khép kín, quy mô nhỏ, phân tán, sự liên kết nhỏ bé, nguồn lực đầu tư hạn chế, công nghệ lạc hậu, khó phát triển theo hướng hiện đại”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, công nghiệp quốc phòng phải hòa đồng vào nền công nghiệp quốc gia: “Việc dân sự hóa nền công nghiệp quốc phòng cần có bước đi cụ thể, phân loại cụ thể từng lĩnh vực và đảm bảo sự ổn định cần thiết đối với quân nhân khi chuyển đổi”.
Trong khi đó, hành lang pháp lý về sự bình đẳng trong hoạt động kinh tế của Bộ Quốc phòng với các thành phần kinh tế khác là điều làm Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Phùng Quốc Hiển quan tâm. “Chúng ta cần tính đến chuyện bình đẳng trong hoạt động kinh tế với nhau. Lực lượng quốc phòng làm kinh tế cũng phải hạch toán kinh tế đầy đủ, báo cáo xem xét lỗ lãi như thế nào”, ông Hiển nói.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng khẳng định xu hướng: “Việc chuyển các lực lượng quốc phòng làm kinh tế ra ngoài cho Chính phủ và các bộ, ngành khác là chắc chắn. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho tốt, năm 2012 mới thực hiện được việc này”.
Đại tướng Thanh cho hay, các nước như Nga, Trung Quốc cũng đã tiến hành cổ phần hóa, tư nhân hoá tối đa các cơ sở công nghiệp quốc phòng, dưới sự kiểm soát của nhà nước. "Chúng tôi mong muốn chuyển hết các cơ sở công nghiệp quốc phòng ra ngoài, chứ để quân đội quản lý từ A đến Z thì vất vả lắm. Bộ Quốc phòng đang phải sắm cả hai vai: Vừa quản lý, vừa đặt hàng các nhà máy do mình quản lý. Tuy nhiên, việc giao cho bên ngoài quản lý phải có lộ trình”, ông Thanh nói.
Theo tờ trình của Chính phủ, công nghiệp quốc phòng sẽ do Chính phủ thống nhất quản lý, chỉ đạo và sẽ chuyển giao cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giúp Chính phủ thực hiện quản lý. Nền công nghiệp quốc phòng sẽ được đặt trong hệ thống công nghiệp quốc gia, đầu tư chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, hiện nay và trong một số năm tiếp theo, các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng vẫn nằm trong tổ chức của quân đội. Việc đưa các cơ sở này ra ngoài biên chế của quân đội cần phải có lộ trình thích hợp.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, trước mắt, sẽ khẩn trương cổ phần hoá các doanh nghiệp làm kinh tế như may mặc, xây dựng. Việc cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội sẽ thực hiện theo cơ chế đấu thầu, trước mắt là đấu thầu giữa các doanh nghiệp quân đội, nhưng sau này sẽ cho đấu thầu rộng rãi, kể cả các doanh nghiệp tư nhân.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, việc từng bước dân sự hóa nền công nghiệp quốc phòng nhằm giữ vững sự trong sạch của quân đội, đồng thời góp phần phát triển tiềm lực nền công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
. Theo VNN
|