|
Vào WTO, thuận lợi cho xuất khẩu được phát huy. |
Một trong những cơ hội lớn nhất khi gia nhập WTO là thị trường quốc tế rộng mở, tạo khả năng cho xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Năm đầu tiên trở thành thành viên WTO, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã tận dụng được cơ hội, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục được duy trì trên 20%. Thực tế đã cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy lợi thế thành viên WTO để đẩy mạnh xuất khẩu.
Câu lạc bộ "tỷ đô" có 10 thành viên
Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác xuất khẩu năm 2008 tại Hà Nội ngày 19.12.2007, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, năm 2007, xuất khẩu cả nước dự kiến đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006 và vượt 3,1% so với với mục tiêu 46,76 tỷ USD mà Chính phủ đã đề ra.
Điều đáng chú ý, nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã có 10 thành viên. Ngoài 9 nhóm hàng quen thuộc thì đã xuất hiện thêm nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó có 3 nhóm hàng trên 3 tỷ USD, 2 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Cụ thể, thủy sản đạt 3,75 tỷ USD; gạo 1,48 tỷ USD; cao su 1,41 tỷ USD; dầu thô 8,4 tỷ USD; dệt may 7,7 tỷ USD; giày dép 3,9 tỷ USD; điện tử và linh kiện máy tính 2,2 tỷ USD; sản phẩm gỗ 2,34 tỷ USD. Đặc biệt, nhóm sản phẩm cơ khí đã có sự tăng trưởng rất mạnh từ xấp xỉ 1 tỷ USD năm ngoái lên 2,2 tỷ USD trong năm nay.
Xét về tốc độ tăng trưởng thì sản phẩm cơ khí "vô địch" với mức tăng 120%. Đới với cà phê, dù sản lượng xuất khẩu giảm 22,3% nhưng do được giá nên giá trị tăng 50%. Dệt may cũng có mức tăng trưởng mạnh, tới 32%. Tuy nhiên, một số nhóm hàng chủ lực như dầu thô lại giảm 7,4% so với năm ngoái.
Đau đầu với nhập siêu
Bên cạnh kết quả xuất khẩu khả quan, thì nhập siêu tăng mạnh là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Nhập siêu cả năm 2007 đã lên đến 10 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2006. Bộ Công thương cho biết, đây là mức nhập siêu cao nhất so với nhiều năm gần đây. Các mặt hàng nhập khẩu lớn, có mức tăng mạnh bao gồm: ôtô nguyên chiếc tăng 132%, linh kiện ôtô tăng 64%, thép tăng 56,4%, phôi thép tăng 37%, máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 54%...
Theo Bộ Công thương, nhập siêu tăng mạnh trước hết là do nhu cầu nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế tăng mạnh. Với một nền kinh tế tăng trưởng cao đến 8,6%, thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh thì việc nhập khẩu máy móc thiết bị là rất lớn. Bên cạnh đó là nhu cầu nhập khẩu phục vụ xây dựng các kế hoạch và công trình trọng điểm như mua máy bay, nhập khẩu để phục vụ xây dựng các công trình dầu khí, nhà máy điện, đóng tàu... Ngoài ra, giá các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng khiến cho kim ngạch nhập khẩu tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong năm 2007, giá thép đã tăng thêm bình quân 93 USD/tấn, chất dẻo tăng 144 USD/tấn, sợi các loại tăng 151 USD/tấn...
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế, nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước tăng cao. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở tốc độ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng như nguyên liệu dệt may, giày dép, ôtô, điện tử... đã góp phần khiến nhập siêu tăng mạnh hơn.
Về sâu xa, nhập siêu tăng cao có nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ nhập khẩu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu phục vụ nhu cầu sản xuất và đầu tư phát triển tăng cao thì khối lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực nhất là hàng hóa thuộc nhóm nguyên nhiên liệu lại có xu hướng giảm, các nhóm hàng công nghiệp chế tạo được kỳ vọng lại chưa có sự tăng trưởng bứt phá. Điều này cũng thể hiện một thực tế là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Kỳ vọng vào 2008
Theo ông Nguyễn Thành Biên, năm 2008, là năm thứ 2 Việt Nam tham gia WTO, điều này sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường hơn và với mức thuế thấp hơn. Vị trí và vai trò của Việt Nam trên quốc tế đã được cải thiện, nhất là trong hợp tác kinh tế thương mại. Đây là nhân tố trực tiếp, tác động đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Dự kiến, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 58,6 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD so với năm 2007, tốc độ tăng trưởng lên đến 22%. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các mặt hàng chủ lực phải tiếp tục được duy trì và đạt mức tăng trưởng cao thì Việt Nam đang kỳ vọng có thêm nhiều nhóm hàng mới có kim ngạch đạt và vượt 1 tỷ USD như thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa, dây cáp điện.
Đặc điểm đáng chú ý của xuất khẩu năm 2008 là nhóm hàng nguyên nhiên liệu sẽ không tăng và thậm chí sẽ giảm mạnh. Dầu thô được duy trì ở mức 15 triệu tấn và 9 tỷ USD kim ngạch, tương đương năm 2007. Xuất khẩu than sẽ giảm mạnh 37% về số lượng và 29% về giá trị, kim ngạch dự kiến chỉ đạt 700 triệu USD so với mức 900 triệu năm 2007. Nhóm hàng về nông lâm thủy sản với các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su... không có sự tăng trưởng mạnh và chỉ duy trì ở mức của năm 2007. Riêng mặt hàng thủy sản kỳ vọng tiếp tục tăng 13%.
Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 được kỳ vọng nhiều vào nhóm hàng công nghiệp chế tạo. Dẫn đầu vẫn là dệt may với dự kiến đạt 9,5 tỷ USD và trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất thay thế cho dầu thô. Giày dép tăng nhẹ và đạt mức 4,5 tỷ USD. Các nhóm hàng được dự đoán tăng cao là điện tử và linh kiện máy tính tăng 59% đạt 3,5 tỷ USD, cơ khí tăng 36% đạt 3 tỷ USD, dây và cáp điện tăng 32% đạt 1,3 tỷ USD.
. Theo VNN
Thành lập các nhóm công tác hỗ trợ xuất khẩu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần làm rõ và tìm cách xử lý các vấn đề đang là nguyên nhân cản trở tăng trưởng xuất khẩu, là rào cản đối với DN. Trong năm 2008 và các năm tới, cần lập các tổ công tác đánh giá cải cách hành chính trong từng mặt hàng một. Cụ thể, trong mặt hàng dệt may cần phải xem bao nhiêu ngày thì giao được hàng, bao nhiêu con dấu thì ra được đến cảng. Từng năm thống kê sẽ biết con dấu nào cần, con dấu nào không cần thiết, để có biện pháp giải quyết.
Để thực hiện kế hoạch xuất khẩu, năm 2008 cũng cần có các nhóm công tác thật gọn nhẹ để giải quyết từng công việc cụ thể như: xúc tiến thương mại, chất lượng hàng xuất khẩu, chống nhập siêu… Bên cạnh đó cần coi trọng vai trò của các hiệp hội, các cơ quan quản lý phải làm việc với các hiệp hội, phân công hiệp hội làm gì, cơ quan quản lý làm gì và cùng nhau làm gì... để thực hiện mục tiêu đã đề ra. | |