Bộ GT-VT vừa trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam với mục tiêu xây dựng khoảng gần 6.000km đường cao tốc. Trong đó, đường bộ cao tốc Bắc-Nam có 2 tuyến với chiều dài 3.520km; khu vực phía Bắc có 6 tuyến với tổng chiều dài 975km; khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 3 tuyến với tổng chiều dài 265km; khu vực phía Nam có 6 tuyến với chiều dài 834km; hệ thống đường vành đai tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM có 3 tuyến với chiều dài 286km.
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, đường cao tốc Bắc-Nam được xây dựng 2 tuyến, trong đó tuyến phía Đông đi theo hướng của quốc lộ 1A hiện tại, chiều dài khoảng 2.200km; tuyến phía Tây đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, chiều dài khoảng 1.320km. Đường cao tốc phía Bắc sẽ được xây dựng 6 tuyến hướng tâm kết nối với thủ đô Hà Nội, gồm các tuyến: Hà Nội-Hải Phòng dài 105km; Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai 265km; Nội Bài-Hạ Long-Móng Cái 295km; Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Cạn 90km; Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình 60km; Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh 160km. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến: Hồng Lĩnh-Hương Sơn (Hà Tĩnh) 35km; Cam Lộ-Lao Bảo (Quảng Trị) 70km; Quy Nhơn (Bình Định)-PleiKu (Gia Lai) 160km.
Ở phía Nam có các tuyến: Biên Hòa (Đồng Nai)-Vũng Tàu 76km; Dầu Giây (Đồng Nai)-Đà Lạt (Lâm Đồng) 209km; TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo đường Hồ Chí Minh 69km; TPHCM-Mộc Bài (Tây Ninh) 55km; Châu Đốc (An Giang)-Cần Thơ-Sóc Trăng 200km; Hà Tiên-Rạch Giá (Kiên Giang)-Bạc Liêu 225km.
Theo tính toán của Bộ GT-VT, để xây dựng được hệ thống đường cao tốc nói trên, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 765.000 tỷ đồng (tương đương với 48 tỷ USD). Trong đó, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải xây dựng khoảng 2.775km với nhu cầu khoảng 430.000 tỷ đồng; sau năm 2020, sẽ xây khoảng 2.955km với nhu cầu khoảng 335.000 tỷ đồng.
. Theo SGGP |