|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. |
Ngày 24.12, phát biểu tại hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: "Cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người làm báo". Theo Phó Thủ tướng, mỗi tác phẩm báo chí có ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Đề cao trách nhiệm cá nhân của người làm báo
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, sau 8 năm thi hành Luật Báo chí, số nhà báo được cấp thẻ đã tăng từ 8.000 lên 15.000 người.
Cũng theo ông Doãn, thời gian qua, báo chí đã góp phần nâng cao dân trí, giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam và thành tựu của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông tin sai sự thật ở các bài viết về vụ án hoặc những thông tin xâm phạm bí mật đời tư.v.v... đã làm hạn chế vai trò của "cơ quan quyền lực thứ tư".
Nguyên nhân, theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Trung, do nhiều phóng viên, biên tập viên, thậm chí lãnh đạo các cơ quan báo chí vẫn còn thiếu hiểu biết về pháp luật, "có những vi phạm khi đưa tin thiếu chính xác, gây ra va chạm giữa nhà báo với chính quyền là do cố ý hoặc do không nắm vững Luật Báo chí". Trong khi đó, kiến thức và sự am hiểu pháp luật chưa được các cơ quan báo chí xem xét như một tiêu chí để tuyển dụng phóng viên. Các trường lớp đào tạo báo chí cũng còn coi nhẹ vấn đề này.
"Chính phủ vừa qua đã phải bỏ tiền để thuê quảng bá hình ảnh đất nước trên CNN. Nên tính tới sự liên kết báo chí để có thể đồng loạt tuyên truyền cho những vấn đề chung"của đất nước". (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân) |
Để thuận lợi cho việc quản lý hoạt động của đội ngũ báo chí, ông Lê QuốcTrung kiến nghị, Luật Báo chí sửa đổi nên xem xét giao việc cấp thẻ nhà báo cho Hội Nhà báo thay vì Cục Báo chí như hiện nay. "Thẻ Nhà báo là một loại thẻ hành nghề, nên gom lại trong một tổ chức nghề nghiệp", ông Trung khẳng định. Theo ông, thống nhất "một đầu mối" như vậy sẽ thuận tiện hơn cho việc quản lý.
Về việc các thông tin sai sự thật thời gian qua vẫn tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân. Đồng thời ông cũng khẳng định cần "đề cao trách nhiệm cá nhân của người làm báo".
Thông tin nhanh nhạy nhưng phải phù hợp lợi ích dân tộc
Nhận định về xu hướng phát triển đa dạng của các loại hình báo chí trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện báo chí đang cạnh tranh bằng cách tạo ra những nét riêng. "Nhưng trong điều kiện nào cũng cần phải tuân thủ Điều 6 Luật Báo chí là phải thông tin trung thực và phù hợp với lợi ích đất nước. Tránh việc thông tin tuy nhanh nhạy nhưng không đúng và không có lợi cho đất nước", ông Nhân lưu ý.
Liên quan tới "quyền được tiếp cận thông tin của báo chí" để đưa tin chính xác, trung thực, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam Đào Nguyên Cát bày tỏ băn khoăn rằng, mặc dù đã có quy chế người phát ngôn và bộ ngành, địa phương đều tuân thủ quy chế này khi cung cấp thông tin cho nhà báo "nhưng nên chăng cần mở rộng cửa để lãnh đạo trực tiếp thông tin cho báo chí", tránh việc thông tin đi qua đường trung gian và không còn chính xác.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 8 năm thi hành Luật Báo chí (từ 1999), đến nay, toàn quốc đã có 702 cơ quan báo chí. Riêng báo in, có 634 cơ quan với 813 ấn phẩm.
Xuất hiện tại Việt Nam sau 1997, khi Việt Nam chính thức kết nối Internet với thế giới, nhưng báo điện tử có tốc độ phát triển rất nhanh, đến nay đã có 8 báo điện tử, 130 trang tin điện tử và hàng ngàn trang web. |
"Ngay cả Thủ tướng, Phó Thủ tướng vẫn trả lời phỏng vấn, thì người đứng đầu bộ, ngành, địa phương cũng không nên máy móc với quy chế này", ông Cát nói.
Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng cũng lưu ý, đã có nhiều sơ suất xảy ra khi phóng viên phải tiếp cận thông tin qua trung gian.
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn coi việc thực hiện Luật Báo chí là việc riêng của nhà báo nên đã có những hành vi cản trở, thu giữ phương tiện hành nghề hoặc hành hung khi nhà báo đang tác nghiệp. Nhiều đại biểu kiến nghị nên xem xét quy định chi tiết hơn trách nhiệm cá nhân trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để báo chí có điều kiện thông tin trung thực tới bạn đọc.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đại diện sở văn hóa thông tin các địa phương cũng kiến nghị cần cụ thể hóa thêm nhiều vấn đề khi sửa đổi Luật Báo chí vào năm 2008 như tiêu chuẩn, điều kiện xây dựng tập đoàn báo chí - truyền thông hiện đại, quy định về quản lý blog và blogger, cơ chế tài chính cho hoạt động báo chí...v.v...
"Mục tiêu là xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước về thông tin đại chúng tập trung đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí trong tình hình mới", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
. Theo VNN
Hướng quản lý báo chí trong thời gian tới:
1. Tiếp tục quán triệt Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.
2. Tiến hành sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí.
3. Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về báo chí thông qua việc sớm đề xuất ban hành các văn bản pháp luật về báo chí như các quy chế: cấp giấy phép hoạt động báo chí; xác định nguồn tin trên báo chí; về cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trong nước của cơ quan báo chí; trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí. Đặc biệt cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính theo hướng tăng chế tài xử phạt vi phạm ở mức cao hơn... Thử nghiệm xây dựng mô hình tập đoàn báo chí và các quy định cho hoạt động của loại hình này.
4. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch bồi dưỡng, rà soát, kiện toàn đội ngũ.
5. Các cơ quan chủ quản báo chí phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền theo đúng chủ trương và quy định của pháp luật.
(Bộ Thông tin và Truyền thông). | |