Sẽ lập thêm 3 cơ quan quản lý báo chí
"Báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn. Những tờ báo tốt sẽ được tôn vinh và những tờ báo còn hạn chế sẽ được chấn chỉnh", Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định mục đích việc thành lập thêm 3 cơ quan quản lý báo chí, sáng 24.12.
- Có ý kiến cho rằng, thời gian qua cơ quan quản lý chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của báo chí, chưa có những quyết sách tạo đột phá. Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến trên?
- Đúng là về mặt quản lý, thời gian qua, các cơ quan nhà nước đang "đuổi theo" sự phát triển mạnh mẽ của báo chí. Tới đây, khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Thông tin Truyền thông, chúng tôi sẽ lập thêm một số đơn vị chuyên môn, thông qua đó quản lý báo chí sâu hơn và chuyên nghiệp hơn.
Thời gian qua, thông tin của thế giới đến với VN khá đầy đủ, nhưng thông tin trong nước ra thế giới chưa tốt, đó là nhược điểm chúng ta cần khắc phục. Cục Thông tin đối ngoại ra đời sẽ có trách nhiệm đưa thông tin trong nước đến đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ quản lý và chỉ đạo toàn bộ mảng phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng. Cục An toàn thông tin để đảm bảo mọi thông tin đưa ra chính xác, có cơ chế để xử lý những người đưa tin sai lệch. Bộ cũng sẽ nâng cấp, kiện toàn Cục Báo chí hiện nay để làm tốt chức năng quản lý báo viết.
Bốn cơ quan quản lý này, dự kiến hoạt động đầu năm 2008, nếu làm tròn chức trách, nhiệm vụ thì báo chí sẽ có hành lang phát triển tốt hơn, đúng hướng hơn, tôn vinh những tờ báo tốt, góp ý chấn chỉnh những tờ báo còn hạn chế.
- Tại sao thời điểm này chúng ta lại đặt ra vấn đề sửa đổi Luật báo chí, thưa ông?
- Chưa bao giờ báo chí Việt Nam phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, cả về số lượng, chất lượng, loại hình, đội ngũ và tính chuyên nghiệp. Tất nhiên, phát triển nhanh nên dễ xuất hiện những khoảng trống và bất cập về quản lý. Nhiều vấn đề trong luật không còn phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Ví dụ, khi ban hành Luật Báo chí năm 1999, thông tin điện tử còn sơ khai, Internet mới ở giai đoạn đầu, blog (nhật ký cá nhân trên mạng) chưa có. Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Báo chí sẽ giúp việc định hướng, quản lý của các cơ quan nhà nước tốt hơn và tạo điều kiện cho báo chí phát triển nhanh hơn.
Tới đây, Bộ Thông tin Truyền thông ban hành một số quy chế có tính chất thời điểm như Quy chế trách nhiệm của Tổng biên tập, Quy chế quản lý phóng viên thường trú và văn phòng đại diện, Quy chế quản lý cộng tác viên...
- Trong Luật Báo chí sửa đổi tới đây, vấn đề định hướng, phát triển các loại hình báo chí mới như báo điện tử sẽ thế nào?
- Thời gian qua, quản lý đi sau sự phát triển có nguyên nhân là do báo chí VN phát triển quá nhanh. Bộ Thông tin Truyền thông ra đời chắc chắn sẽ có bộ máy đủ điều kiện về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp để quản lý tốt hơn. Chúng ta phải phát triển nhanh, đồng thời có biện pháp quản lý thích ứng. Tôi khẳng định, phát thanh, truyền hình, báo điện tử trong tương lai sẽ được phát triển và được chăm lo quản lý tốt hơn.
- Theo ông, cần có thay đổi gì để tăng cường tính đối thoại giữa các tòa soạn và cơ quan quản lý?
- Tôi nghĩ quan trọng nhất là hoàn chỉnh cơ chế chính sách, để mọi người soi vào đó hành động, quản lý, tránh những việc quá chi tiết cụ thể. Việc sửa Luật Báo chí không phải là hạn chế báo chí mà ngược lại, báo chí được hoạt động tự do khi thực hiện đúng luật.
- Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông luôn đề cao trách nhiệm của các tổng biên tập trong giai đoạn phát triển mới. Đi liền với trách nhiệm, quyền hạn của Tổng biên tập sẽ được mở rộng như thế nào?
- Nếu chúng ta không đề cao trách nhiệm của Tổng biên tập, sẽ không thể quản lý tốt báo chí. Bộ Thông tin hay Cục Báo chí có đông đến đâu, nếu Tổng biên tập không làm tròn trách nhiệm thì vấn đề quản lý vẫn khó khăn.
Các Tổng biên tập hoàn toàn chịu trách nhiệm về tờ báo, trước dư luận xã hội và những luật lệ quy chế của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ, Tổng biên tập hoàn toàn tự do nếu họ chăm lo cho tờ báo của mình và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và luật định.
Năm 2008, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ thực hiện chủ trương tôn vinh các Tổng biên tập giỏi và phóng viên xuất sắc. Tên gọi cho các danh hiệu tôn vinh này chúng tôi đang cân nhắc, nhưng đây là một việc làm tốt nhằm khen chê, thưởng phạt nghiêm túc, kịp thời.
. Theo VnExpress |