Từ ngày 1.1.2008 loại bỏ ba gác, xe tự chế:
Dân nghèo rối bời, địa phương lúng túng!
15:23', 26/12/ 2007 (GMT+7)

Chỉ còn vài ngày nữa, từ 1.1.2008 toàn bộ xe ba gác, xe tự chế sẽ bị loại bỏ theo qui định của Chính phủ.

Hàng trăm ngàn người dân hành nghề bằng phương tiện này đang "khóc ròng" vì chưa biết chuyển sang nghề gì trong khi rất nhiều địa phương cũng đang lúng túng.

Chỉ riêng tại TP.HCM hiện có trên 60.000 người chạy xe ba gác, xích lô. Đa số họ nghèo, không vốn và lúng túng chưa nghĩ ra sẽ làm gì để sống trong những ngày sắp tới.

Ông Phan Văn Út ở P.15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM nhìn chiếc xe ba gác thở dài: "Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là các con sẽ dở dang việc học". Trên mười năm qua, ông không quản đêm hôm mưa nắng gắn đời mình trên chiếc xe ba gác để nuôi ba đứa con ăn học. Ngày hay tin "cái cần câu cơm" của mình sẽ bị cấm lưu thông, ruột gan ông rối bời. Ông chạy khắp nơi tìm việc. Ông xin làm phụ hồ với tiền công 60.000 đồng/ngày nhưng sức già 58 tuổi chỉ chịu được vài ngày. Ông lại vác đơn đi xin làm bảo vệ, người ta không nhận.

Còn ông Nguyễn Đình Tân (49 tuổi) ở P. 5, Q. Gò Vấp có đứa con đang học đại học năm thứ tư và một con đang học lớp 8. Ông nghẹn ngào: "Tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày qua vì lo thời gian tới không biết sẽ sống thế nào. Điều khiến tôi quặn thắt lòng là khi con hỏi ba dự định sẽ làm gì khi không lái xe ba gác nữa!?".

Lúng túng

Nhiều người hành nghề chạy xe ba gác mà chúng tôi gặp đều nói chỉ mới nghe tin phải bỏ xe, bỏ nghề qua báo chí và các chủ doanh nghiệp thường thuê chở hàng. Đến thời điểm này chính quyền địa phương chưa thông báo gì với họ chuyện này.

Ông Nguyễn Văn Xê, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội TP.HCM, nhìn nhận: đây là chủ trương liên quan đến cuộc sống của nhiều người dân nên chuyện thực thi không chỉ là giải quyết vấn đề hành chính. Phải tính tới các giải pháp kinh tế và tạo điều kiện cho người dân sống được. Hơn nữa, từ khi ra nghị quyết đến lúc thực thi nhanh quá, không chuyển đổi kịp. Thực tế, một số phường, xã cũng còn lúng túng. Bởi việc tính toán dạy nghề hay chuyển nghề cho những người lớn tuổi, trình độ học vấn hạn chế rất khó khăn.

Vĩnh Long là một trong số ít địa phương đầu tiên ở ĐBSCL tính toán chuyện giúp người dân sống bằng nghề chạy xe lôi máy, ba gác máy chuyển đổi nghề. Phương án chuyển đổi nghề đã được UBND tỉnh này phê duyệt từ ngày 22.11.2007 nhưng đến nay vẫn chưa chi tiền cho người dân học nghề, chuyển nghề khác vì có nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự tính.

Ông Nguyễn Văn Liệt, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, cho biết theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt thì chỉ có hơn 350 xe lôi máy và ba gác máy chở khách có đăng ký (được cấp biển số) thuộc diện được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Mức hỗ trợ được ấn định như sau: thu hồi thùng xe bán phế liệu hỗ trợ 1,5 triệu đồng; hỗ trợ học nghề 2 triệu đồng và hỗ trợ gạo ăn trong ba tháng tính bằng tiền là 360.000 đồng. Ngoài ra người dân sẽ được ngân hàng cho vay vốn để làm ăn hoặc mua sắm phương tiện khác để kinh doanh. Riêng xe ba gác chở hàng hóa sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 31.12.2008.

Theo ông Liệt, sở dĩ tới nay tỉnh chưa thể chi tiền cho người dân là do có nhiều ý kiến đề nghị phải có chế độ hỗ trợ số xe không đăng ký. Thực tế cho thấy những người sống bằng nghề chạy xe lôi máy, ba gác máy không đăng ký cũng rất khó khăn. "Chúng tôi đang cho rà soát nắm lại số lượng xe không đăng ký. Dự báo số lượng này sẽ gấp nhiều lần số xe có đăng ký”- ông Liệt cho biết.

Bắt bỏ nghề này, dân sống bằng gì?

Ngày 24.12, ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 2.000 xe ba gác thuộc diện loại bỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng. Do chưa thống kê xong số xe ba gác cũng như hoàn cảnh gia đình của chủ các phương tiện này nên Sở GTVT chưa thể hoàn chỉnh phương án chuyển đổi nghề trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Do công tác chuẩn bị và triển khai tới dân còn chậm, nên ông Hùng nói sẽ đề nghị trung ương gia hạn cho Tiền Giang thêm một tháng để triển khai chủ trương này.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre Phạm Văn Long cũng nói trong tuần này, các huyện mới thống kê xong số xe ba gác để hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh phê duyệt. "Tuần trước các huyện báo cáo có khoảng 900 xe ba gác thuộc diện phải loại bỏ. Nhưng khi nghe chúng tôi thông báo dự kiến mức hỗ trợ người dân để chuyển đổi nghề, các địa phương đề nghị cho gia hạn để thống kê lại vì sợ sót"- ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết có lẽ tỉnh Bến Tre sẽ xin trung ương cho gia hạn thêm một tháng nữa. "Tới nay mình chưa làm xong phương án hỗ trợ, chưa chi tiền cho dân mà bắt họ phải bỏ nghề ngay thì gia đình họ sẽ sống ra sao. Tỉnh Bến Tre còn quá nghèo, mình chưa giúp được gì nhiều cho dân mà làm căng quá cũng khổ dân" - ông Long nói.

Ông Lê Hiếu Đằng, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, cho rằng cần phải lùi thời hạn này ít nhất một năm. Ông Đằng nhận định: "Từ khi ban hành nghị định đến thời gian thực thi quá ngắn. Qui định này lại chưa được tuyên truyền đến tận người dân. TP nên đề nghị cho lùi thời gian thực thi qui định này thêm một năm nữa.

Trong năm 2008, chúng tôi có kế hoạch cho họ chuyển đổi việc làm; đồng thời nghiên cứu sản xuất một loại xe phù hợp cho người nghèo hành nghề. Ngành cơ khí hoàn toàn chế tạo được loại xe đạt tiêu chuẩn an toàn và giá thấp hơn xe ngoại nhập cho những đối tượng này mua trả góp".

Ông Lê Hiếu Đằng cũng cho rằng không nên cấm hoàn toàn các loại xe này. Thực tế nhiều hoạt động trên địa bàn TP như vận chuyển hàng hóa từ các chợ, vận chuyển vật liệu xây dựng trong khu dân cư, rác dân dụng... rất cần những loại xe này. "Nếu giờ giấc và phạm vi hoạt động của các xe không ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì không nên "khai tử" tất cả” - ông Đằng đề nghị.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sau 1.1.2008: “Giấy trắng” vẫn được giao dịch bình thường  (26/12/2007)
Trao tặng huân chương cao quý cho các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước  (26/12/2007)
Dự kiến giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh từ 3-6 tháng/lần  (25/12/2007)
Khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện các chương trình, Nghị quyết của Quốc hội  (25/12/2007)
Tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Liên minh Hợp tác xã Việt Nam  (25/12/2007)
Người có nhu cầu tham gia BHYTTN có thể mua bất kỳ khi nào  (25/12/2007)
Nhà nước không giữ độc quyền thành lập cơ quan báo chí  (25/12/2007)
PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Đề cao trách nhiệm cá nhân người làm báo"  (25/12/2007)
Nâng biên độ tỉ giá USD/VND lên +0,75%  (25/12/2007)
Bình an về với muôn người  (25/12/2007)
10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2007  (25/12/2007)
Du lịch dịp năm mới: giá tour sẽ tăng 20-30%  (24/12/2007)
Kỷ lục mới của kiều hối  (24/12/2007)
Luật Báo chí đã đi vào cuộc sống  (24/12/2007)
Tràn ngập không khí Giáng sinh  (24/12/2007)