* Cần tiến tới điện tử hóa giấy tờ nhà đất và hồ sơ địa chính
Trả lời phỏng vấn báo chí hôm qua (27.12) bên lề cuộc giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên khẳng định quan điểm thống nhất sử dụng một loại giấy tờ nhà đất ngay trong năm 2008. Về băn khoăn của người dân liên quan đến giá trị pháp lý của “giấy trắng”, ông cho biết:
Bộ TN-MT đang phối hợp với Bộ Tư pháp sớm ra hướng dẫn để người dân thực hiện được các giao dịch dân sự về đất được dễ dàng. Không nên quá lo lắng về thời hạn chấm dứt hiệu lực của “giấy trắng” (từ 1.1.2008 - PV). Vấn đề này sẽ được cân nhắc để đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người dân không bị ảnh hưởng.
Theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ thì tới đây các loại giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà sẽ gom lại một loại và quan điểm của tôi là việc “gom lại” nên làm gọn trong năm 2008. Tuy nhiên, về lâu về dài ta cần phải tiến tới sử dụng loại “giấy điện tử” chứa đựng nhiều thông tin, có mã vạch… để vừa tạo điều kiện cho việc quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin, vừa tạo điều kiện xây dựng một thị trường bất động sản công khai, minh bạch, dễ tiếp cận. Hiện đã có 9 tỉnh thành trong cả nước tiến hành “điện tử hóa” hệ thống hồ sơ địa chính. Đây là tiền đề quan trọng để quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến.
- PV: Tới đây, Luật Đất đai sẽ được sửa đổi. Xin bộ trưởng cho biết những nội dung chính nào sẽ được điều chỉnh, bổ sung?
Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Việc thực hiện Luật Đất đai 2003 đã thực sự mang lại hiệu quả lớn, toàn diện cả về kinh tế-xã hội. Vừa qua, tiền thu từ đất đã lên tới 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khó, lại thường xuyên có sự biến động nên đúng là có những nội dung trong luật chưa sát hợp với cuộc sống. Mảng thứ nhất, cần sự điều chỉnh là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiếp đó là các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Nếu mọi việc tiến hành thuận lợi, dự kiến, năm 2011 hoặc 2012, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành.
- Liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng “kéo” công nghiệp về đồng bằng, thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp “bờ xôi ruộng mật”. Bộ trưởng có bình luận gì?
Đây quả là một vấn đề lớn. Trong 20 năm trước, chỉ có 3% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất công nghiệp, nhưng theo dự báo từ nay đến 2020 hoặc 2025 sẽ có 10%-15% đất nông nghiệp phải chuyển đổi thành đất công nghiệp và dịch vụ. Trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là việc cần thiết phải làm, thế nhưng chủ trương của Chính phủ là việc chuyển đổi phải được cân nhắc rất kỹ để đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho đất nước. Chính phủ khuyến khích sử dụng đất đồi, đất ít khả năng canh tác để phát triển CN, dịch vụ. Trong phương hướng điều chỉnh Luật Đất đai, ngành TN-MT cũng đã lưu ý đến khả năng chuyển đổi một diện tích lớn đất rừng thành rừng sản xuất; sơ bộ ước tính diện tích này vào khoảng 1 - 2 triệu ha.
- Nhận định của bộ trưởng như thế nào về việc tới đây Chính phủ sẽ giao Bộ TN-MT chủ trì nghiên cứu, ban hành khung giá đất thay vì Bộ Tài chính?
Dù là cơ quan nào chủ trì thì vẫn phải có sự phối hợp liên ngành trong vấn đề này. Tôi cho rằng nên thành lập “Tổ công tác đặc nhiệm” tập hợp các chuyên gia tinh nhuệ của các ngành, vì thực sự xác định giá đất không những là việc khó, mà còn nhạy cảm nữa, nó có tác động rất lớn đến kinh tế- xã hội và cuộc sống của người dân. Nếu giao cho ngành TN-MT chủ trì thì cũng có một số thuận lợi cơ bản.
Chẳng hạn, việc xác định giá đất luôn phải dựa vào những cơ sở quan trọng trong hồ sơ quản lý về địa chính như loại đất, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, lịch sử sử dụng đất…, mà đó là lĩnh vực quản lý của ngành TN-MT, ngành có hệ thống cán bộ quản lý sâu sát đến tận cấp cơ sở. Tất nhiên, như đã nói, chúng tôi vẫn sẽ phải mời các chuyên gia của Bộ Tài chính – những người rất am hiểu về các phương pháp tính giá cùng hợp tác, tham mưu.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
. Theo SGGP |