Tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, bước sang tháng 1.2008 sản lượng điện vẫn thiếu hụt và việc giảm phụ tải vào giờ cao điểm vẫn diễn ra.
Giải pháp kém hiệu quả
Sau thời điểm Tết dương lịch hiện tượng cắt điện vào giờ cao điểm lại tái diễn mà nguyên nhân chính vẫn là do thiếu hụt công suất.
Vào tháng 12.2007, hệ thống điện đã bị thiếu hụt vào khoảng 1.400-1.600MW do cùng lúc trên nhiều tổ máy bị sự cố phải ngừng lại để sửa chữa.
Cụ thể 2 tổ máy (mỗi tổ 360MW) của Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3 phải ngừng phát điện để sửa chữa. Tổ máy số 1 của Phú Mỹ 3 bị sự cố máy biến thế từ tháng 5.2007, còn một tổ máy của Phú Mỹ 2-2 dự kiến ngày 15.12.2007 đi vào hoạt động nhưng trong quá trình sửa chữa, phát hiện bị nứt tầng cánh của turbin, phải mang sang Singapore sửa.
Nguồn điện lớn nữa cũng không huy động được là Cà Mau 1, mùa khô năm 2007 đã phát điện chu trình đơn (500MW), buộc phải xuất ra khỏi lưới để hoàn tất chu trình hỗn hợp (lắp đặt thêm đuôi hơi). Nhiệt điện Uông Bí mở rộng đang trong quá trình chạy thử không ổn định nên chưa huy động được đủ 300MW.
Để hạn chế thiếu điện, các giải pháp mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra khi đó là thuê máy biến áp (MBA) tại Singapore về thay thế cho tổ máy Phú Mỹ 3, đưa tổ máy Phú Mỹ 2-2 sang Singapore sửa, cố gắng trong tháng 1.2008 đưa vào vận hành. Bên cạnh đó chỉ đạo các đơn vị cố gắng ở mức tối đa để khôi phục và đưa vào vận hành các nguồn điện Cà Mau 1 khoảng tháng 4.2008, Uông Bí, Đại Ninh trong tháng 12.2007 thì sẽ đảm bảo lấy lại 1.500MW...
Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 1.2008, 2 tổ máy của BOT Phú Mỹ nêu trên vẫn chưa hoạt động trở lại. Thuỷ điện Đại Ninh tổ máy 1 công suất 150 MW dự kiến tháng 12.2007 đi vào vận hành cũng chưa vận hành, còn nhiệt điện Uông Bí thì vẫn chạy thiếu ổn định và chuyện thiếu hụt công suất vẫn còn nguyên như tháng 12.2007.
Bên cạnh đó nước về các hồ thủy điện rất thấp, hồ Hoà Bình tháng 12.2007 chỉ đạt 450 m3/giây, không những thế lại phải tích nước chuẩn bị cho mùa khô và phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông-xuân 2008, nên sau những ngày Tết dương lịch không bị cắt điện thì nay hiện tượng cắt điện vào giờ cao điểm lại tái diễn. Điều này cũng báo hiệu một mùa khô căng thẳng về điện bắt đầu.
Tiếp tục một mùa khô căng thẳng về điện
Những kỳ vọng về một số nguồn điện đưa vào vận hành giai đoạn đầu năm để cứu mùa khô 2008 đến nay vẫn hết sức phập phù.
Theo các chuyên gia, để đáp cho mùa khô năm nay, hệ thống điện cả nước phải được bổ sung khoảng 1.500 MW mới đủ. Mặc dù tiến độ thi công của nhiều công trình điện mới diễn ra hết tốc lực, nhưng một số nguồn điện mới được kỳ vọng bổ sung nguồn với mức phụ tải tăng cao như thường thấy về mùa khô đang phải đối mặt với khả năng chậm tiến độ. Nguồn điện lớn và được kỳ vọng nhiều nhất là Nhà máy Điện Cà Mau 1 theo dự kiến sẽ hoàn tất chu trình hỗn hợp khí, hoà đồng bộ tổ máy tuabin hơi - máy phát điện vào ngày 25.1.2008 và vận hành thương mại chu trình hỗn hợp vào ngày 30.3.2008. Đối với Nhà máy Điện Cà Mau 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 15.6.2008. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến và điều này chưa chắc chắn.
Như vậy, khả năng đi vào vận hành của hai nguồn điện lớn nhất và được trông chờ để cứu mùa khô năm 2008 là Cà Mau 1 và Cà Mau 2, với tổng công suất lên tới 1.500 MW vẫn rất mong manh. Mới đây EVN đã phải đề nghị Chính phủ xem xét việc huy động chu trình đơn của Nhà máy Cà Mau 1 với công suất 500 MW như mùa khô 2007 để có thêm nguồn điện chắc chắn cho mùa khô 2008, thay vì tập trung làm chu trình hỗn hợp mà khả năng vận hành tiếp tục chậm so với mốc cuối tháng 3.2008 là hoàn toàn có thể.
Còn nhiệt điện Uông Bí đã 1 năm nay vận hành thiếu ổn định và không đạt được công suất thiết kế 300 MW, chưa biết đến khi nào sẽ vận hành ổn định.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 450 MW do Tập đoàn Dầu khí là chủ đầu tư, liên danh tổng thầu EPC là Lilama và Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) đang phải nỗ lực hết sức để không chậm hơn mốc vận hành vào cuối tháng 3.2008. Tuy nhiên, theo đánh giá tổng thầu đưa ra là vận hành thương mại chu trình đơn vào cuối tháng 4.2008 rất khó thành hiện thực.
Một số nguồn thuỷ điện khác dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2007 đã không thành hiện thực. Ngoài Thuỷ điện Đại Ninh thì Thuỷ điện Tuyên Quang dự kiến đưa tổ máy 1 công suất 114 MW vào vận hành trong tháng 10.2007 đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Theo tính toán của các chuyên gia, các nguồn điện có khả năng vận hành chắc chắn trong mùa khô này cùng với tăng cường mua điện thì công suất đỉnh ít nhất vẫn còn thiếu 500 MW. Trong khi đó nhiều nhà máy điện đang phải lùi ngày sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ do thiếu nguồn đang tiềm ẩn nguy cơ về sự cố.
Nguồn điện đưa vào vận hành chậm và thiếu đang đặt hệ thống điện cả nước luôn trong tình trạng căng thẳng, rủi ro cao do thiếu dự phòng. Chỉ cần 1 số nguồn điện gặp sự cố và ngừng phát điện để sửa chữa thì lượng điện thiếu hụt sẽ tăng lên và việc cắt điện là khó tránh khỏi. Xem ra, hệ thống điện lại sắp chịu thêm một mùa khô căng thẳng và người dân lại phải đối mặt với khả năng bị cắt điện.
. Theo VNN |