|
Chữa cháy chợ Vinh. (Ảnh: Website Công an Nghệ An). |
Thời điểm từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau là thời điểm hay xảy ra các vụ cháy, chiếm tới gần 50% tổng số vụ cháy trong cả năm.
Nguy cơ cháy lớn trong mùa hanh khô và trong dịp Tết
Năm 2007, trên cả nước xảy ra 2.628 vụ cháy, trong đó 1.879 vụ cháy ở các cơ sở, nhà dân và 749 vụ cháy rừng. Thiệt hại do các vụ cháy gây ra làm chết 43 người, bị thương 171 người; về tài sản, thiệt hại ước tính 423,507 tỷ đồng và làm mất 4.188,52ha rừng.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, cháy xảy ra nhiều và tập trung vào thời điểm 4 tháng, kể từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 năm sau (thời điểm mùa hanh khô, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán). Thống kê cho thấy, trong 4 tháng này đã xảy ra 881 vụ cháy, chiếm gần 50% tổng số vụ; gây thiệt hại 167,643 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng thiệt hại cả năm 2007.
Yếu tố về chất cháy: Mùa hanh khô và dịp Tết là thời điểm mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chợ, khu phố, trung tâm thương mại (TTTM) tập trung nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu hơn các tháng khác trong năm để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết và hoàn thành kế hoạch sản xuất, trong đó có nhiều loại vật tư, nguyên liệu, hàng hóa là loại dễ cháy. Tại các gia đình, việc mua sắm các đồ dùng, hàng hóa phục vụ Tết cũng tăng cao, trong đó có nhiều loại là các chất dễ cháy.
Yếu tố về nguồn nhiệt: Tại mỗi đơn vị, cơ quan, cơ sở cũng như tại mỗi hộ gia đình đều tăng mức độ sử dụng các thiết bị điện, từ đó hệ thống điện có nguy cơ mất an toàn; tăng việc sử dụng xăng dầu, khí đốt, tăng việc sử dụng các nguồn lửa, tăng việc thắp hương thờ cúng, từ đó làm tăng nguy cơ cháy rất cao.
Yếu tố về thời tiết, khí hậu: Vào thời điểm cuối năm, thời tiết khô hanh, hạn hán kéo dài, phần lớn các vật liệu đều khô dẫn đến nguy cơ cháy cao hơn bình thường và lan ra diện rộng, gây cháy lớn, việc cứu chữa rất khó khăn, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng của gió tây nam.
Chợ đầu mối, nỗi lo canh cánh
Trên địa bàn cả nước hiện có khoảng 3.000 chợ, TTTM, trong đó có hơn 1.000 chợ, TTTM được xây dựng kiên cố và bán kiên cố với quy mô lớn, số lượng hàng hóa mỗi chợ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra 97 vụ cháy chợ, TTTM, gây thiệt hại 350 tỷ đồng (nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ngừng trệ buôn bán, khắc phục hậu quả... thì thiệt hại do cháy còn lớn hơn nhiều). Như vậy, tính trung bình mỗi năm xảy ra 20 vụ cháy chợ.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy chợ, TTTM là do sử dụng điện không đảm bảo an toàn PCCC, chiếm 46,8%, do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng 33,3%.
Theo Thượng tá Nguyễn Bá Trường, Cục Cảnh sát PCCC, còn một số nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng như do sự lơ là mất cảnh giác của lực lượng bảo vệ, lực lượng PCCC cơ sở, không tổ chức tuần tra canh gác, nhất là vào ban đêm... nên khi xảy ra cháy không kịp thời phát hiện và cứu chữa đã dẫn đến cháy lớn. Bên cạnh đó một số chợ còn thiếu phương tiện chữa cháy, thậm chí không có phương tiện chữa cháy nên khi có cháy xảy ra thì lúng túng, bị động, dẫn đến cháy lớn.
Mất cảnh giác với "giặc lửa"
Trong năm 2007, cháy lớn và thiệt hại do cháy lớn gây ra tuy đã được kiềm chế so với năm 2006 nhưng trên cả nước vẫn xảy ra 26 vụ cháy lớn, chiếm 1,4% tổng số vụ cháy; thiệt hại do cháy lớn gây ra là 272 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng thiệt hại. Cháy lớn vẫn là một vấn đề bức xúc vì thiệt hại do cháy lớn gây ra chiếm 2/3 tổng thiệt hại. Đặc biệt 77% số vụ cháy lớn xảy ra vào buổi tối, ban đêm và ngoài giờ làm việc; 88% số vụ cháy lớn xảy ra ở các cơ sở sản xuất, số vụ còn lại là chợ và khu dân cư; 23% vụ cháy lớn xảy ra ở các cơ sở liên doanh và 100% vốn nước ngoài.
Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung vào các địa bàn trọng điểm tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Số vụ cháy xảy ra chiếm 43% tổng số vụ cháy, thiệt hại về tài sản chiếm 29% tổng thiệt hại (chiếm trên 1/3 về số vụ và gần 1/3 về thiệt hại so với số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trên cả nước). |
Nguyên nhân cháy được Thượng tá Nguyễn Bá Trường phân tích: Vẫn chủ yếu là do sơ suất, bất cẩn, do sử dụng điện và xăng dầu, khí đốt hóa lỏng.
Số vụ cháy do sơ suất chiếm tỷ trọng cao, chiếm 25,6% tổng số vụ cháy. Số vụ cháy mà nguyên nhân gây ra liên quan đến sử dụng điện chiếm 30,5% tổng số vụ cháy. Số vụ cháy liên quan đến sử dụng xăng dầu, khí đốt hóa lỏng chiếm 4,6% tổng số vụ cháy. Cháy, nổ do sang nạp gas trái phép và không an toàn trong sử dụng khí đốt hóa lỏng tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại, làm bị thương 60 người, làm thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, cháy do đốt (do mâu thuẫn gia đình, xã hội, phi tang, che giấu hành vi phạm tội...) có chiều hướng gia tăng, tăng 27,4% so với năm 2006.
Nhằm tăng cường các biện pháp PCCC mùa hanh khô, bảo vệ Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ. Tuy nhiên, "cách PCCC hiệu quả nhất vẫn là nâng cao ý thức cảnh giác với "giặc lửa" cho mỗi người dân" - Thượng tá Nguyễn Bá Trường khẳng định.
. Theo VNN |