Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính và quan tâm mở rộng địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí vận tải và khai thác lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trong năm 2007, đã có 64 dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với tổng vốn đăng ký 391,2 triệu USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình cho một dự án trên 6 triệu USD. Theo thống kê, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (17 dự án, vốn đầu tư 156,8 triệu USD) tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp (23 dự án, vốn đầu tư 147,1 triệu USD), còn lại đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ.
Trong năm 2007, doanh nghiệp Việt Nam đã vươn đến 18 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng vốn đầu tư chủ yếu tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 23 dự án có tổng vốn đăng ký 162,1 triệu USD; 1 dự án thăm dò khai thác dầu khí tại tại Madagasca với vốn đầu tư 117,36 triệu USD. Riêng 2 nước trên đã chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký.
Tính đến nay, đã có 249 dự án ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,39 tỷ USD. Các dự án ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn trong lĩnh vực công nghiệp, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực dịch vụ 5,5% tổng vốn đầu tư.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù các dự án ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại 35 nước và vùng lãnh thổ, nhưng trừ một số dự án đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí tại Angeri, Irắc và Madagasca, phần lớn dự án ĐTRNN tập trung tại một số nước như Lào (có 86 dự án, tổng vốn đầu tư là 583,8 triệu USD chiếm 42% về vốn đầu tư), Campuchia (có 27 dự án, tổng vốn đầu tư là 88,4 triệu USD, 6,3% về vốn đầu tư) và Liên bang Nga (có 12 dự án, tổng vốn đầu tư là 4,8,1 triệu USD, chiếm 5,6% về vốn đầu tư).
Bước đầu, một số dự án thực hiện có hiệu quả và đã mở rộng quy mô của dự án. Cụ thể, các dự án thăm dò, thẩm lượng và khai thác dầu khí của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tại Angiêri và Malaysia với vốn đầu tư thực hiện khoảng 30 triệu USD. Hiện nay, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã cùng các đối tác phát hiện thêm nguồn dầu mới và quyết định tăng thêm đầu tư. Các dự án trồng cao su tại 4 tỉnh Nam Lào của Tổng Công ty Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắc Lắc với vốn đầu tư khoảng trên 60 triệu USD đã triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Trước đây, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam rất hạn chế, nhưng 5 năm lại đây đã tăng lên mạnh mẽ và Chính phủ cũng xác định đây là một hướng hội nhập kinh tế cần khuyến khích.
Để gia tăng đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ ban hành Nghị định 22/1999/NĐ-CP ngày 14.4.1999 quy định ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam; Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ban hành Thông tư số 05/2001/TT-BKH ngày 30.8.2001 hướng dẫn hoạt động ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 01/2001/TT-NHNN ngày 19.1.2001 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam... tạo nên một khung pháp lý cần thiết cho hoạt động ĐTRNN.
Và đúng như dự báo ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tài chính đã đầu tư ra nước ngoài để mở rộng địa bàn hoạt động và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí vận tải và khai thác lợi thế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
. Theo VNN |