Theo kết quả khảo sát từ đề tài trọng điểm cấp Bộ do ĐH Sư phạm TP HCM thực hiện, các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại cho hơn 50% sinh viên tốt nghiệp, vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Số liệu trên do Bộ Giáo dục đào tạo công bố tại Hội nghị toàn quốc chất lượng giáo dục ĐH, diễn ra ở TP HCM, ngày 5.1.
Đơn cử trường hợp tuyển dụng của tập đoàn Intel. Giám đốc kỹ thuật Michael Lương cho biết, đầu năm 2007, tập đoàn này sử dụng bài test đối với 2.000 sinh viên năm cuối tại 5 ĐH lớn ở TP HCM. Kết quả, chỉ có 90 em đáp ứng trên 60% yêu cầu theo quy định tuyển dụng.
"Chúng tôi cần ở sinh viên kỹ năng thực hành, tính sáng tạo, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc linh hoạt độc lập, hoặc theo nhóm chứ không chỉ những kiến thức lý thuyết", ông Michael Lương nói.
Hầu hết ý kiến cho rằng, việc đánh giá các sản phẩm giáo dục như sinh viên tốt nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học, sẽ chỉ ra chính xác kết quả thực tế của các trường.
Theo ông Thái Bá Cần, Hiệu trưởng ĐHSP Kỹ thuật TP HCM, đánh giá chất lượng giáo dục ĐH phải dựa trên mục tiêu đào tạo của mỗi trường. Mục tiêu đào tạo không rõ ràng sẽ kéo theo chất lượng đào tạo không hiệu quả.
"Hầu hết sinh viên hiện nay, bước chân vào trường ĐH chỉ biết học và học, mà không xác định được mình sẽ trợ thành người như thế nào, làm gì sau khi tốt nghiệp. Không ít giảng viên chưa hiểu hết mục tiêu đào tạo của nhà trường, chỉ biết hoàn thành vai trò của mình trong phạm vi nhỏ của môn dạy" ông Cần phản ánh.
Còn thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Bành Tiến Long thừa nhận, nhiều ĐH thậm chí chưa xác định được mục tiêu đào tạo của đơn vị, hoặc xác định không phù hợp. Kết quả kiểm định thí điểm của Bộ giáo dục tại 20 trường, vẫn có 4 ĐH hàng đầu chưa đáp ứng được các yêu cầu về việc xác định mục tiêu đào tạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tới 12.2008, các ĐH, CĐ phải công bố chuẩn đầu ra, và xây dựng được chương trình khung trong năm 2009. "Đối với các trường chưa công bố được chuẩn đầu ra, thì phải có chế tài tuyển sinh. Sản phẩm giáo dục chỉ được thừa nhận khi nó tương thích, phù hợp với đầu ra", Phó thủ tướng, nói.
. Theo VnExpress
Theo báo cáo của Bộ giáo dục đào tạo, 7 nguyên nhân cơ bản làm hạn chế chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam là:
1. Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong giáo dục ĐH chưa cụ thể, không rõ ràng, thiếu khung trình độ trong đào tạo, mục tiêu giáo dục còn chung chung.
2. Hoạt động đánh giá, kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng còn khó khăn do thiếu chuyên gia có kinh nghiệm. Chưa có tổ chức kiểm định độc lập.
3. Chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) trong ĐH. nguồn lực đào tạo sau ĐH, và NCKH ít, sử dụng thiếu hiệu quả phân bổ theo chỉ tiêu đầu vào.
4. Thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong trường ĐH.
5. Hợp tác quốc tế đào tạo, NCKH trong ĐH còn hạn chế, trao đổi sinh viên, giảng viên chưa mở rộng.
6. Các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế.
7. Cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, chế độ học phí còn bất cập. | |