Cổ phiếu trên sàn chính thức lên xuống thất thường trong thời gian dài đã làm cho hàng hàng loạt cổ phiếu giá rẻ không có thương hiệu hay cổ phiếu tên tuổi trên các sàn OTC đều đóng băng. Trong khi đó, những cổ phiếu có tính thanh khoản cao như ngân hàng, bất động sản cũng lâm vào tình trạng giảm giá và không có người giao dịch.
Thị trường đóng băng
Trên sàn cũng như các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư đang kêu trời vì tính thanh khoản của những cổ phiếu OTC rất thấp, mua vào thì dễ nhưng bán ra rất khó, kể cả những cổ phiếu thuộc dạng “hot” trước đây. Vì vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang thực sự mất niềm tin vào cổ phiếu OTC nên đã ồ ạt rao bán, sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ tới 50%. Nhà đầu tư Bùi Huy Đức cho biết đã theo phong trào mua cổ phiếu OTC giá rẻ khoảng dưới ba chấm để cuối năm tăng giá sẽ bán. Nhưng hy vọng của anh đã tiêu tan khi thị trường OTC ngày càng đi xuống, nguồn vốn của anh cũng chôn theo OTC không biết khi nào mới rút ra được. Hơn một tỷ đồng của gia đình anh đã dồn hết vào cổ phiếu giá rẻ, đến bây giờ muốn bán lấy tiền chi tiêu cuối năm cũng không bán ra được. Đã vậy, thời điểm cuối năm hàng loạt công ty đua nhau phát hành thêm khiến anh không còn biết huy động vào đâu được nữa.
Anh Đức cũng cho biết đã mang cổ phiếu OTC đi cầm cố ở một số ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng họ đều từ chối không nhận do tính thanh khoản của những hàng hóa này đã quá thấp. Anh Đức cho rằng hầu như tất cả những cổ phiếu trên sàn OTC đã bị tê liệt, thậm chí đóng băng, kể cả những cổ phiếu thuộc lĩnh vực hàng đầu như bất động sản, ngân hàng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng trước đây có tính thanh khoản rất cao nhưng sau một thời gian dài thị trường niêm yết điều chỉnh đã khiến cho cổ phiếu này mất đi thanh khoản cao.
Hơn nữa, một số nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại khi nghĩ đến việc đầu tư vào ngành này do lộ trình tăng vốn của ngân hàng còn dài nên cổ phiếu sẽ thường xuyên bị pha loãng và giảm giá liên tục. Trong đó, cổ phiếu An Bình giảm chỉ còn khoảng 25.000 đồng, Eximbank 5,5 triệu đồng nhưng tìm người mua cũng rất khó.
Thông tin mờ ám làm giảm tính thanh khoản
Trong lúc đa số các cổ phiếu trên thị trường OTC giảm giá và tính thanh khoản rất thấp thì một số cổ phiếu bất động sản lại được các “cò” thổi giá tăng mạnh. Ông Hoàng Hải - một nhà đầu tư trên sàn APEC, cho biết ông đã nghe theo các “cò” trên diễn đàn chứng khoán để mua vào 20.000 cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai với giá 110.000 đồng. Đến nay, cổ phiếu này đã rớt giá xuống chỉ còn 80.000 đồng sau khi báo chí đưa tin công ty này đang có dự án bất động sản sai phạm. Trước những thông tin không tốt về cổ phiếu đang giữ, ông đã vội vàng bán chạy làng nhưng khổ nỗi muốn bán rẻ cũng không ai mua. Chưa hết bàng hoàng về những thông tin trên, ông Hải còn thật sự bất ngờ khi biết thêm thông tin lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai có nhiều chi tiết mâu thuẫn, không rõ ràng. Ông Hải dẫn chứng trên một tờ báo chuyên ngành chứng khoán, công ty này đã công bố hai con số khác nhau về lợi nhuận của dự án Giai Việt ở quận 8, TP.HCM.
Trong khi dự án này chưa khởi công xây dựng nhưng công ty đã công bố có lợi nhuận lên đến 108,7 tỷ đồng. Cũng trên tờ báo này 10 ngày sau, công ty lại công bố dự án này có mức lợi nhuận đạt hơn 66 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng so với lần công bố trước.
Các chuyên gia cho rằng thông tin của các doanh nghiệp đang rất mập mờ và thiếu sự trung thực nên đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các cổ phiếu trên thị trường OTC. Thị trường cổ phiếu OTC hiện nay không còn hấp dẫn như trước nữa. Điều này được chứng minh bằng việc hàng loạt cổ phiếu trước đây có tính thanh khoản cao nhưng nay thì ngược lại như Dược Cửu Long, Vosco, Tôn Hoa Sen... Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay không theo quy luật như mọi năm nên đã gây sốc cho nhiều nhà đầu tư khi đa số nhà đầu tư đã dự đoán thị trường sẽ sôi động cuối năm.
. Theo PL.TPHCM |