Ðó là chủ đề của Hội nghị kinh tế quốc tế lần đầu được tổ chức tại Việt Nam trong hai ngày 8 và 9.1, với sự tham gia của người đứng đầu và đại diện hơn 70 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự kiện này mở màn các hoạt động kinh tế đối ngoại trong năm nay, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới giao lưu, hợp tác làm ăn, hứa hẹn thu nhiều thành công trong năm 2008.
Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Nhà kinh tế của Anh, vốn có uy tín lớn trong làng doanh nghiệp quốc tế trong việc tổ chức các hội nghị kinh tế quốc tế khắp nơi trên thế giới, chọn Việt Nam để tổ chức Hội nghị này.
Những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là trong năm 2007, sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế, đã thuyết phục nhà tổ chức làm cầu nối cho doanh nghiệp thế giới với Việt Nam, nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á. Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2007, kinh tế Việt Nam đạt sự tăng trưởng toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực: tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 ước tính 8,44%; GDP bình quân đầu người đạt 833 USD; khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 462,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% GDP; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá, khoảng 20,3 tỷ USD...
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đã cam kết viện trợ chính thức (ODA) hơn 5,4 tỷ USD trong năm 2008, trong đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục cam kết ODA nhiều nhất, hơn 1,3 tỷ USD; Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 1,1 tỷ USD. Về viện trợ song phương, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với mức cam kết ODA hơn 1,1 tỷ USD, Liên hiệp châu Âu (EU) gần một tỷ USD. Những con số ấn tượng nói trên tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách của ADB xếp hạng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực châu Á năm 2007.
Hội nghị "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á" nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế muốn tìm hiểu sâu hơn môi trường kinh doanh ở Việt Nam; đồng thời tạo diễn đàn để Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin, đối thoại trực tiếp với giới kinh doanh thế giới; kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới; quảng bá hình ảnh đất nước và động viên tinh thần của nhân dân ta tự hào về Việt Nam là một ngôi sao đang lên ở châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và một số Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị bàn tròn, giới thiệu chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách đầu tư kinh doanh của Việt Nam với các nhà đầu tư.
Chủ tịch ADB; Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) và đại diện cấp cao của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, những công ty đang làm ăn hoặc có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, như Boeing, IBM, Intel, Cannon, Nestle, Nokia, Nissan, Samsung, Toyota, VinaCapital, Citygroup..., cùng hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam tham gia các sự kiện của Hội nghị.
Khoảng 30 đề tài về các vấn đề kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam được thảo luận tại Hội nghị bàn tròn, như cải cách và kiện toàn lĩnh vực ngân hàng; phát triển các lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt ở Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực và lao động hướng đến sự tăng trưởng bền vững; tiếp tục cải cách cơ bản để bảo đảm tương lai kinh tế phồn vinh...
Diễn đàn Giao lưu doanh nghiệp, với chủ đề "Chinh phục đỉnh cao kinh doanh", tập trung vào năm ngành kinh tế đang phát triển nhanh nhất ở Việt Nam, gồm kết cấu hạ tầng, bất động sản, chế tạo, tài chính ngân hàng và du lịch. Giải thưởng Ngôi sao kinh doanh lần đầu được trao cho các doanh nghiệp Việt Nam, gồm mười giải Ngôi sao có quy mô lớn nhất; mười Ngôi sao hội nhập hiệu quả nhất; mười Ngôi sao quản lý tốt nhất; năm Ngôi sao kinh doanh; và đặc biệt là Siêu sao kinh doanh.
Hội đồng xét giải gồm những chuyên gia kinh tế hàng đầu, các nhà quản lý, nghiên cứu chuyên sâu, nhà báo chuyên về kinh tế có uy tín của Việt Nam và chuyên gia của Tổ chức Phát triển LHQ (UNDP).
Hội nghị kinh tế quốc tế tổ chức tại Việt Nam nằm trong loạt Hội nghị Nhà kinh tế được Tập đoàn truyền thông xuyên quốc gia Nhà kinh tế tiến hành từ năm 2004. Tập đoàn có chi nhánh hoạt động ở 40 nước này thường xuyên cung cấp báo cáo phân tích về chính trị, kinh tế, kinh doanh của hơn 200 quốc gia và nền kinh tế, có giá trị và ảnh hưởng lớn với cộng đồng kinh doanh quốc tế, được sử dụng làm căn cứ xếp hạng các nền kinh tế thế giới.
Hội nghị Nhà kinh tế đã được tổ chức tại nhiều nước như Áo, Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha, Iceland, Mexico, Chile, Nhật Bản, Ấn Ðộ...; và đều có sự tham gia của Tổng thống hay Thủ tướng Chính phủ những nước này.
Thương hiệu của Hội nghị này đã trở thành uy tín bảo đảm sự tin cậy đối với cộng đồng kinh doanh và truyền thông thế giới; Hội nghị này được tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á.
. Theo Nhân Dân |