“Việt Nam- Ngôi sao đang lên ở Châu Á”, Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam đã chính thức khai mạc sáng nay (8 .1) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố; đại diện doanh nghiệp Việt Nam gồm các Tổng công ty lớn và các doanh nghiệp có thương hiệu; Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chủ tịch hoặc CEO của các Tập đoàn xuyên quốc gia như: Boeing, IBM, PB, Adidas, Accor. Canon, General Electricr, Intel, Nestle, Nissan, Nokia, Qantas, Samsung, Lenovo…
Hội nghị lần này nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia tìm hiểu sâu hơn về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, qua đó củng cố và tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Thông qua hội nghị hoạt động chào mừng để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần tăng cường vị thế của đất nước; cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu của thế giới nhằm học hỏi cách làm ăn kinh doanh và quảng bá thương hiệu của mình...
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trong hơn 20 năm qua thực thi chính sách đổi mới, nền kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm; trong 3 năm 2005, 2006 và 2007 đạt mức tăng trưởng trên 8,0% và dự kiến năm 2008 đạt khoảng 8,5 - 9%. Xuất khẩu đạt mức tăng bình quân 18%/năm liên tục trên 20 năm qua, riêng 3 năm gần đây tăng khoảng 22%/năm. Cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Bình quân GDP đầu người năm 2007 đạt trên 800 USD, so với năm 1988 tăng khoảng 10 lần, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15%; các lĩnh vực văn hoá xã hội đều có những chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc. Vai trò vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Việt Nam đang là điểm đến an toàn ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Từ năm 1993 đến nay, có trên 50 Nhà tài trợ song phương và đa phương đã cung cấp nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước tổng cộng trên 42 tỷ USD. Và tính đến cuối năm 2007 đã có 9.500 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số vốn đăng ký trên 100 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra: những yếu kém đó là, do điểm xuất phát rất thấp, nên Việt Nam đến nay vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập thấp và đang phải đối diện với những khó khăn thách thức rất lớn, nổi lên là: chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp; tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng giá cả năm 2007 tăng khá cao, kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; làm hạn chế khả năng hấp thụ nhanh các nguồn vốn; cải cách hành chính và chống tham những tuy đã có kết quả tích cực nhưng vẫn còn phiền hà, vướng mắc; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai còn rất khó khăn; nạn ùn tắc nạn giao thông, ô nhiễm môi trường là một số vấn đề xã hội khác đang là vấn đề bức xúc. Ngoài ra, những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và những biến động bất thường của khí hậu và thiên tai đang là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tin tưởng, thông qua việc trao đổi, thảo luận thẳng thắn, tin cậy tại Hội nghị, và tại cuộc giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, tất cả chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin, hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ nhất là trong lĩnh vực thông tin kinh tế, thương mại đầu tư và sẽ có những đề xuất, giải pháp, thiết thực, cùng hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc hội nhập và phát triển cửa Việt Nam, và cũng là đóng góp vào sự phát triển của khu vực và thế giới.
Hội nghị lần này cũng sẽ thảo luận gần 30 đề tài xung quanh nền kinh tế cũng như kinh doanh của Việt Nam như: Cải cách và kiện toàn lĩnh vực ngân hàng; Mở cửa và tạo cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài; Phát triển các lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt ở Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực và lao động hướng đến sự tăng trưởng bền vững; Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu - Tiếp tục những cải cách cơ bản để đảm bảo một tương lai kinh tế phồn vinh.
Cùng với Hội nghị Bàn tròn còn diễn ra các hoạt động khác như giao lưu Doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị với các doanh nghiệp của các ngành trọng tâm mà Hội nghị đề cập như: hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản, tài chính, du lịch, dịch vụ dệt may, các ngành xuất khẩu và một số doanh nghiệp khác thuộc nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Ngoài ra còn có triển lãm giới thiệu về thành tựu đổi mới kinh tế , xã hội, an ninh quốc phòng…; Lễ trao giải “Ngôi sao kinh doanh” và biểu diễn nghệ thuật mang tên “Khát vọng Việt Nam” là chương trình nghệ thuật quốc tế phục vụ đại biểu Hội nghị, được tổ chức vào tối 9.1.2008.
. Theo ĐCSVN |