Càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, thị trường xe gắn máy lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với dòng xe tay ga có hộc đựng mũ bảo hiểm khiến cho nhiều mẫu xe được ưa chuộng “cháy hàng”, giá tăng từ 10 đến 20%.
Xe ga trong nước, cung không đủ cầu
Nhiều đại lý và cửa hàng kinh doanh xe máy trên địa bàn Hà Nội cho biết, điểm nóng của thị trường xe máy năm nay chính là các dòng xe tay ga, đặc biệt là từ khi thực hiện việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe mô tô-xe gắn máy theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, lượng xe bán ra tăng đột biến, khiến cho nhiều mẫu xe "cháy hàng", giá tăng so với giá niêm yết của hãng.
Điển hình là tình trạng "cháy hàng" diễn ra liên tục trong thời gian gần đây đối với 2 mẫu xe tay ga của Honda Việt Nam là Click và AirBlade. Do dòng xe này có hình dáng đẹp, dễ sử dụng, tiết kiệm nhiên liệu, lại có hộc đựng đồ rộng tiện lợi cho việc cất giữ mũ bảo hiểm cùng với việc Công ty áp dụng chế độ bảo hành mới là 2 năm hoặc 20.000km và nâng số lần kiểm tra định kỳ lên 6 lần thay cho 4 lần như trước đây nên đã trở thành sự lựa chọn của rất nhiều người.
Mặc dù giá xe Air Blade Công ty niêm yết 28 triệu đồng/chiếc, nhưng do cầu lớn hơn cung, nhiều cửa hàng kinh doanh xe máy đã đẩy giá lên 32 đến 34 triệu đồng/chiếc và lượng bán ra cũng rất hạn chế.
Công ty Honda Việt Nam cho biết, dù đã nâng công suất sản xuất xe Air Blade lên 65.000 chiếc nhưng cầu về dòng xe này ngày càng lớn, đặc biệt lại là thời điểm giáp Tết nên Công ty chưa đáp ứng ngay được nhu cầu thị trường. Tham gia thị trường từ quý II/2007, tính đến hết tháng 12 vừa qua, Công ty đã bán được 77.000 chiếc Air Blade và 70.000 chiếc xe Click.
Tuy không xảy ra tình trạng “cháy hàng” như Honda và không tiết lộ về lượng xe bán ra cụ thể, Công ty Yamaha Việt Nam cũng cho biết, nếu như cách đây vài ba tháng, xe tay ga chỉ chiếm 20% tổng lượng xe bán ra thì đến thời điểm này con số đó đã lên tới 45% và giá có tăng nhẹ ở mẫu xe Nouvo và Mio.
Các loại xe tay ga khác như Attila Victoria, Attila Elizabeth, Hayate của SYM, Suzuki cũng xảy ra tình trạng khan hàng tại các đại lý chính thức và giá thường cao hơn từ 1 đến 3 triệu đồng/chiếc so với giá công bố của nhà sản xuất.
Trong khi các dòng xe máy tay ga liên tục "cháy hàng", tăng giá thì các dòng xe số có giá trên dưới 10 triệu đồng/chiếc lại nằm trong cảnh bán hàng rất ảm đạm. Điều này cho thấy, các dòng xe này dần dần đã không được người tiêu dùng ở thành phố lựa chọn nhiều.
Xe nhập khẩu giá tăng từng ngày
Bên cạnh các dòng xe tay ga sản xuất trong nước, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều xe tay ga nhập khẩu với giá dao động từ dưới 30 triệu đến gần 130 triệu đồng/chiếc.
Do là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm xe của khách hàng tăng lên cùng với đó là Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe môtô, xe gắn máy nhập khẩu nên nhiều cửa hàng đã thay đổi giá bán từng ngày. Tuỳ từng thương hiệu, màu xe và cửa hàng bán ra mà giá xe có chênh lệch từ 2 triệu đến 16 triệu đồng/chiếc.
Anh Nguyễn Minh, chủ cửa hàng kinh doanh xe máy nhập khẩu trên phố Huế cho biết, trong số các dòng xe nhập khẩu từ có giá trên dưới 30 triệu đồng/chiếc như Joying, @ Stream, Honda SCR 110… thì xe Honda SCR 110 do Trung Quốc sản xuất được nhiều khách hàng lựa chọn nhất bởi giá cả phải chăng; tiết kiệm nhiên liệu; hộc đựng đồ rộng chưa có đối thủ nào vượt qua, có thể đựng tới 3 chiếc mũ bảo hiểm cùng với túi xách nhỏ...
Tuy nhiên, đây là mặt hàng “nóng” nhất hiện nay trên thị trường nên giá cả vì thế mà cũng được tăng theo hàng ngày. Nếu như trước đây, loại xe này có giá bán dao động từ 30,5 đến 32 triệu đồng/chiếc thì thời điểm này đã tăng thêm từ 2 đến 3 triệu đồng/chiếc. Anh Minh cũng cho biết, mặc dù giá tăng, nhưng với lượng xe nhập về vài ba trăm chiếc mỗi tuần cửa hàng vẫn không xe để bán.
Đối với dòng xe cao cấp nhập khẩu từ chính hãng như Honda PS, SH, Spacy… giá tăng mạnh hơn so với xe nhập từ Trung Quốc từ 300 đến 500USD/chiếc.
Trong đó, đáng chú ý nhất là tình trạng cháy hàng của SHi 150 màu nâu vàng. Khách hàng muốn mua xe này phải chờ một vài tuần với giá trên 8.000 USD/chiếc. Honda SHi 150 các màu như đen, xanh, đỏ có giá trên dưới 7.500 USD/chiếc.
Ngược lại, xe SHi 300 lại rơi vào tình trạng ế ẩm do phân khối lớn, tiêu hao nhiên liệu nhiều nên nhiều cửa hàng phải chấp nhận bán lỗ gần 1.000 USD trong khi giá nhập là 10.400 USD/chiếc.
Đặc biệt, dòng xe Dylan mới hiện nay trên thị trường rất hạn chế, nên giá đã tăng hơn 1.000 USD/chiếc so với trước, ở mức 7.700 USD/chiếc; xe cũ có giá bán dao động từ 5.500 USD đến 6.500 USD/chiếc nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế...
Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xe máy, tình trạng "cháy xe" và tăng giá sẽ còn kéo dài cho đến sát Tết Nguyên đán do nhu cầu mua sắm xe của khách hàng vào dịp cuối năm tăng lên.
. Theo TTXVN |