Sáng 9.1, Hội nghị ngân sách giáo dục trở nên nóng bỏng khi lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ tỏ ý bức xúc về mức học phí quá thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới, học phí ĐH có thể tăng lên 400.000 đồng một tháng.
Hiệu trưởng ĐH Nông lâm (trực thuộc ĐH Huế) Trần Văn Ninh cho rằng, việc đóng góp học phí của người đi học từ bậc ĐH trở lên phải thay đổi bởi mức học phí 180.000 đồng một tháng như hiện nay là quá thấp.
"Tại sao trượt giá suốt 10-15 năm qua mà học phí vẫn ổn định? Tại sao các trường tư thục tồn tại được? Tại vì người ta có cơ chế học phí", ông Ninh tự nêu câu hỏi và chốt lại vấn đề. Thừa nhận ngành giáo dục đang chịu tư tưởng bao cấp rất lớn, Hiệu trưởng ĐH Vinh Nguyễn Ngọc Hợi đề xuất cần có hướng mới trong việc thu học phí bởi "có một bộ phận sinh viên muốn đầu tư cao vào học tập nhưng vẫn phải chạy theo những em đóng học phí thấp".
Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho biết, từ nhiều năm nay, học phí của sinh viên hệ tại chức chính là "nồi cơm" nuôi sống trường. Do kinh phí hạn hẹp nên mỗi tiết dạy ngoài giờ của giảng viên trường này chỉ được tính... 4.000 đồng.
"Đối với các trường công lập, nếu học phí không tăng gấp 2 -3 lần hiện nay thì kinh phí Nhà nước cấp phải tăng thêm 55% thì mới đủ cho trường hoạt động", ông Ga tính toán.
Trước lo lắng của lãnh đạo các trường, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sắp tới học phí sẽ có khung mới, trường chất lượng cao sẽ được thu tiền cao. Để làm được việc này, Bộ sẽ kiểm định chất lượng để phân loại các trường.
"Sau khi thực hiện việc cho sinh viên vay tiền để học, sẽ tính đến việc tăng học phí. Để đảm bảo chi thường xuyên, học phí không thể là 200.000 đồng một tháng mà phải là 400.000 đồng", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
. Theo VnExpress |