Kỳ họp thứ 30 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào
9:35', 11/1/ 2008 (GMT+7)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, từ ngày 6 đến 10.1, tại Thủ đô Viêng Chăn, diễn ra kỳ họp lần thứ 30 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa  Việt Nam và  Lào.

Ðoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào, Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng đoàn. Ðoàn Lào do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt Nam Somsavat Lengsavat làm trưởng đoàn.

Sáng 10.1, hai Phó Thủ tướng  đã ký Biên bản kỳ họp và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước.

Ðánh giá tình hình thực hiện Hiệp định hợp tác năm 2007, hội nghị nhất trí cho rằng hai bên đã phối hợp tổ chức thành công các lễ kỷ niệm: gồm kỷ niệm 45 năm Ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, 30 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện.

Về giáo dục, hai bên đã thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, Việt Nam đã tiếp nhận đầy đủ số học sinh Lào sang học tập.

Hai bên cũng hợp tác biên soạn từ điển, bàn giao Trường năng khiếu ở Viêng Chăn, khởi công xây dựng Trường Tài chính, hoàn thiện Trường Dạy nghề ở bắc Lào, cử giáo viên tiếng Việt sang dạy tại các trường nội trú của Lào.

Hai nước cũng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp một số cửa khẩu biên giới chung; cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi cho người và phương tiện vận tải hàng hóa qua lại lẫn nhau.

Hai bên cũng đã triển khai dự án tăng dày, tôn tạo cột mốc biên giới và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng biên giới.

Trong 11 tháng của năm 2007, kim ngạch thương mại song phương đạt 289 triệu USD, tăng 32% so cùng kỳ năm trước đó và dự kiến đạt 307 triệu USD trong cả năm 2007, tăng 18% so với năm 2006.

Trong năm 2007, có 87 dự án của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép đầu tư tại Lào, với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD.

Nhà chức trách hai nước luôn quan tâm điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời tháo gỡ nhiều vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, và tài chính giữa hai nước.

Hai bên cũng hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông hai nước hợp tác, liên doanh, khai thác các dịch vụ và công nghệ viễn thông.

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương nằm ở khu vực biên giới chung được quan tâm và tạo điều kiện phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực biên giới hòa bình.

Hội nghị cũng chỉ ra những thiếu sót, trong đó có kết quả đào tạo chưa cao, kim ngạch thương mại hai chiều còn thấp, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào còn  một số bất cập làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.

Hội nghị cũng đề ra mục tiêu, phương hướng hoạt động trong năm 2008. Hai bên thỏa thuận nhiều nội dung hợp tác được cụ thể tại Văn bản Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ. Theo đó, phía Việt Nam ghi nhận đề nghị của Lào để trình Quốc hội Việt Nam phê duyệt tăng thêm 300 tỷ đồng, ngoài 900 tỷ đồng đã cam kết tại Hiệp định khung giai đoạn 2006-2010, để thực hiện một số dự án cần thiết trong giai đoạn 2008-2010.

Năm 2008, Việt Nam sẽ cấp cho Lào 300 suất học bổng hệ dài hạn ở các bậc đại học, sau đại học và 250 suất học bổng hệ ngắn hạn, 100 suất học bổng ngắn hạn tập huấn thể dục - thể thao (TDTT), 10 suất học bổng cho con em Việt kiều. Phía Lào cấp cho Việt Nam 30 suất học bổng hệ đào tạo dài hạn cho cán bộ, học sinh Việt Nam học tập tại Lào.

Về hợp tác kinh tế: tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác đầu tư, sản xuất về nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trồng, chế biến cao-su và cây công nghiệp khác; thực hiện dự án phân vùng trồng cây công nghiệp ở nam Lào và phân vùng nông nghiệp toàn quốc Lào. Hoàn thành đề án phát triển thương mại với dự kiến kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 1 tỷ USD vào năm 2010 và 2 tỷ USD vào năm 2015, đến năm 2020 đạt mức 5 tỷ USD.

Về đầu tư, hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác đầu tư trong những năm tới, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tìm giải pháp mở rộng lĩnh vực đầu tư tại mỗi nước; tạo thuận lợi và sớm cấp phép cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện một số dự án tìm kiếm, thăm dò, đầu tư khai thác khoáng sản.

Việt Nam cũng sẽ giúp Lào thành lập và phát triển thị trường chứng khoán. Hai bên tiếp tục tạo thuận lợi thực hiện các dự án hợp tác liên kết giao thông vận tải giữa hai nước, gồm đường bộ, đường không và đường sắt.

Ngoài ra, hai bên còn nhất trí về nhiều nội dung hợp tác cụ thể trên một số lĩnh vực khác như năng lượng, văn hóa, thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng...

Trước kỳ họp, Ðoàn Việt Nam đã thăm một số tỉnh bắc Lào cũng như thị sát một số địa điểm sẽ thực hiện các dự án có vốn đầu tư lớn của Việt Nam.

. Theo Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thủ tướng đốc thúc thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 2008  (11/01/2008)
Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam  (10/01/2008)
Học phí đại học có thể tăng lên 400.000 đồng  (10/01/2008)
Tài liệu của Mỹ khẳng định "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" là bịa đặt  (10/01/2008)
WB dự báo kinh tế VN tăng trưởng 8,2% năm 2008  (10/01/2008)
Dịch lợn tai xanh quay trở lại  (10/01/2008)
Thị trường quần áo, mỹ phẩm đón Tết sớm  (10/01/2008)
Thu thêm viện phí trả lương bác sỹ  (10/01/2008)
Tăng lệ phí tuyển sinh đại học  (09/01/2008)
Vàng lập kỉ lục mới ở mức giá 1,72 triệu đồng/chỉ  (09/01/2008)
EVN ký hợp đồng mua điện lớn nhất với PetroVietnam  (09/01/2008)
2010: Thống nhất thủ tục hành chính trên cả nước  (09/01/2008)
Ông Huỳnh Đảm được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  (09/01/2008)
Giá thép tăng mạnh  (09/01/2008)
Siết chặt kiểm tra thực phẩm Tết  (09/01/2008)