Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP): Việt Nam (VN) nằm trong top 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu và khi mực nước biển tăng 1m ở VN sẽ sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp (tương đương 5 triệu tấn thóc) và 10% thu nhập quốc nội GDP.
Theo dự báo của Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (ICEM), nhiều vùng như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau... sẽ ngập chìm từ 2 - 4m trong vòng 100 năm tới.
Để xây dựng một chương trình hành động chuẩn xác và đi đúng hướng, hầu hết các chuyên gia về môi trường cho rằng: Cần phải xây dựng một kịch bản cho VN, bởi kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới về lĩnh vực này còn có nhiều sự khác biệt. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán mực nước biển sẽ dâng là 1m, nhưng kết quả nghiên cứu của Ủy ban liên Chính phủ về Thay đổi khí hậu (IPCC) mực nước biển dâng là 69cm kèm theo trong điều kiện băng tan không đột biến; sự tan băng ở các vùng cực của trái đất cũng khác nhau và vấn đề khí hậu và biến đổi khí hậu ở mỗi quốc gia cũng có những diễn biến khác nhau. Hơn nữa, vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ đơn giản là của ngành nông nghiệp mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác nữa. Do vậy, các nhà khoa học phải chỉ rõ vùng nào của VN sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của băng tan, phân tích cụ thể diện tích vùng bị ngập, vùng phải di chuyển và ảnh hưởng đến các vùng khác chưa được đề cập tới.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã xây dựng chương trình hành động với cả hai kịch bản dự báo của WB và IPCC. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học: Cho dù là kịch bản nào thì vấn đề biến đổi khí hậu đã xảy ra và sẽ tác động mạnh mẽ đến nước ta, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì, VN có 74% diện tích đất nông nghiệp, gần 80% nông dân đang sinh sống ở vùng nông thôn và sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Song song với việc nghiên cứu, xây dựng chương trình hành động, VN vẫn cần tiếp tục tiến hành những việc liên quan đến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: trồng rừng, sử dụng công nghệ sạch, vấn đề giảm khí thải vào không khí...
Dự kiến, đến tháng 6.2008, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ cùng với các vấn đề biến đổi khí hậu chung của cả nước. Trên cơ sở đó, VN sẽ hình thành kinh phí và lộ trình thực hiện, trở thành chương trình hành động chung của cả nước.
. Theo TTXVN |