|
Trẻ em mầm non ở Hà Nội. |
Sau một loạt vụ bạo hành trẻ nhỏ, ngày 17.1, Vụ phó Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT Ngô Thị Hợp cho biết, sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra tại một số tỉnh thành, không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ.
Tại Hội thảo báo cáo giám sát toàn cầu giáo dục mầm non với chủ đề "Chăm sóc và giáo dục mầm non: Nền tảng vững chắc" ngày 17.1, bà Hợp cho biết, hiện 1.4 số giáo viên và cán bộ quản lý ở bậc học này có trình độ dưới chuẩn.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Thị Hồng Liên, căn nguyên của nạn bạo hành trẻ em xuất phát từ người giữ trẻ thiếu trình độ khi mà trượt ĐH, CĐ mới chịu làm giáo viên mầm non.
"Trước chúng ta coi đây là ngành lao động giản đơn nên xếp ngạch lương thấp. Cô giáo phải làm quần quật cả ngày để chăm 8-10 trẻ mà lương cao mới được 1,5 triệu đồng mỗi tháng thì hành vi nóng giận với trẻ rất dễ xảy ra. Do vậy, cần phải có chính sách hơn nữa đối với giáo viên", bà Liên nêu thực trạng và giải pháp.
Cũng nêu biện pháp tăng cường chất lượng giáo dục mầm non, bà Liên mong muốn cần tạo bình đẳng giữa mầm non công lập và ngoài công lập, bởi hiện Nhà nước mới chỉ hỗ trợ trẻ ở khối công lập. "Tôi đến hai cơ sở, trang thiết bị hoàn toàn ngược nhau: đẹp ở trường công lập và nghèo ở trường ngoài công lập. Tại sao trẻ sinh ra ở cùng một thành phố nhưng lại học trong hai điều kiện khác nhau?".
Năm học 2006-2007, cả nước có hơn 11.000 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 6.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong số hơn 3 triệu trẻ đến trường, gần 1,8 triệu em học ở các cơ sở tư thục. |
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên ở bậc học này vẫn còn thiếu và yếu. Bộ GD&ĐT đang đầu tư, tăng quy mô sư phạm mầm non tại các trường CĐ Sư phạm mầm non, đồng thời đề xuất thành lập các dự án tăng thu nhập cho giáo viên mầm non.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập làm việc tại UNESCO Paris, chất lượng giáo dục mầm non của Việt Nam xếp thứ 70 trong số 125 nước có số liệu báo cáo. Toàn thế giới hiện vẫn còn 77 triệu trẻ em chưa có cơ hội đến trường, tập trung chủ yếu ở Ấn Độ, Pakistan, Nigeria và Ethopia....
Khẳng định trẻ đi học sớm sẽ đạt kết quả cao hơn ở các cấp học sau, ông Eisuke Tazima, chuyên gia giáo dục của UNESCO tại Việt Nam mong muốn Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào bậc học mầm non và vấn đề của giáo dục mầm non sẽ được đưa lên bàn nghị sự quốc gia.
. Theo VnExpress
|